Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Thi đại học không căng thẳng như chơi chứng khoán”

(ĐTCK) Trong phiên chất vấn tổng hợp các bộ trưởng chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ảnh VNE)

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (ảnh VNE)

Các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Phạm Vũ Luận tập trung vào ba nội dung chính: đào tạo đại học tràn lan; kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học năm 2015 gây tốn kém, căng thẳng; cách xử lý môn Lịch sử.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trương Văn Vở về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong những năm vừa qua, đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lưu ý thành lập nhiều trường đại học và tuyển sinh nhiều. Việc thành lập nhiều trường đai học bắt nguồn từ Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ là đến năm 2014 là phải có 450 SV/1 vạn dân.

Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ đã tiến hành cân chỉnh. Cụ thể, điều chỉnh chỉ tiêu sinh viên trên 1 vạn dân từ 450 sinh viên xuống còn 250 sinh viên/vạn dân; giảm việc nâng cấp trường cao đẳng lên đại học, cơ cấu lại mạng lưới trường đại học. Bộ cũng tiến hành thanh kiểm tra hoạt động các trường đại học, đóng lại nhiều chuyên ngành đào tạo không phù hợp.


"Tôi cũng phải đính chính thêm là chúng ta không phải thừa thầy, chúng ta vẫn thiếu thầy. Các trường đại học vẫn thiếu thầy, thầy giỏi. Chúng ta chỉ thừa người kém và vẫn thiếu thợ và thiếu thợ giỏi"
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Nhiều trường đã mua đất, cấp đất để đầu tư cho quá trình dạy và học. Bộ đã điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức, chấm dứt mô hình đào tạo từ xa cho các thầy cô giáo; chấm dứt đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại những cơ sở không phải của các trường đại học.

Gắn kết đào tạo với nhu cầu lao động, nhiều trường đã mời các chuyên gia nước ngoài để đánh giá chất lượng đâò tạo các trường để hướng tới quy chuẩn chung của quốc tế; nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh.

"Tôi cũng phải đính chính thêm là chúng ta không phải thừa thầy, chúng ta vẫn thiếu thầy. Các trường đại học vẫn thiếu thầy, thầy giỏi. Chúng ta chỉ thừa người kém và vẫn thiếu thợ và thiếu thợ giỏi".

Về câu hỏi nhiều đại biểu đặt ra về kỳ thi tốt nghiệp đại học tích hợp với kỳ thi đại học, Bộ trưởng Đặng Vũ Luận giải trình: “Cho tới thời điểm này, chúng ta tổ chức 3 đợt thi đại học cộng với thi tốt nghiệp là 4, tối thiểu 4 kỳ là 12 môn và thi tại các thành phố lớn, thi tốt nghiệp 5 môn sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Cách tổ chức thi như vậy cùng cách ra đề thi không kiểm tra trí nhớ máy móc mà kiểm tra năng lực của học sinh so với các năm trước tiết kiệm hơn, giảm áp lực hơn, giảm gian lận, thay đổi phương pháp giáo dục…".

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Đại biểu Lê Văn Lai, đoàn Quảng Nam tiếp tục cho rằng, chưa nhìn thấy sự chuẩn bị đầy đủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho chủ trương tích hợp hai kỳ thi.

Đại biểu Nguyễn Thái Học tiếp tục chất vấn: “Bộ trưởng khẳng định với việc tích hợp hai kỳ thi, các cháu đi lại ít hơn, tiết kiệm là chưa thuyết phục. Vì sau nhận kết quả thi tốt nghiệp, các cháu phải đi nộp hồ sơ tại các trường ở các thành phố lớn, mà các cháu không phải đi một mình, đi cùng với đó là gia đình, và như vậy rất tốn kém. Trong thời gian chờ đợi điểm thi và chờ đợi kết quả xét tuyển, áp lực với các cháu rất căng thẳng. Môt kỳ thi tốn kém và căng thẳng ví căng thẳng như chơi chứng khoán. Cách trả lời chưa thuyết phục chưa yên lòng dân, cần Bộ trưởng trao đổi để làm rõ hơn”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ khẳng định: “Chúng tôi có số liệu thống kê để khẳng định những nhận định trên”

Tin bài liên quan