Trả lời câu hỏi tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên tới 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013, có ý kiến cho rằng, khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ, Chính phủ chỉ đạo như thế nào để xử lý tình trạng nợ của DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.
Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công. Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.
Cũng theo ông Nên, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị định 206/2013/NĐ-CP ngày 9/12/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình; bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và bảo đảm khả năng trả nợ; xây dựng kế hoạch, cân đối dòng tiền, bảo đảm nguồn trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng cam kết, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công. Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.
Số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 553.000 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2013. Các “chúa chổm” được điểm danh gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nợ gần 175.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ hơn 108.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nợ hơn 46.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nợ hơn 32.000 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam nợ hơn 15.700 tỷ đồng...
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho biết, nợ nước ngoài của khối này vào khoảng 381.500 tỷ đồng. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ gần 118.000 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ đồng. Riêng nợ nước ngoài của các công ty mẹ là hơn 253.000 tỷ đồng, trong đó, Vinalines nợ hơn 27.000 tỷ đồng, PVN nợ hơn 20.000 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc – VEC nợ hơn 18.500 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV hơn 12.100 tỷ đồng.
Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường.
“Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo quy định về việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định 15/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ…”, ông Nên nói.
Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển. Các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ.