Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Không Make in Viet Nam, không thể thành nước phát triển“

0:00 / 0:00
0:00
"Nếu không Make in Viet Nam, nước ta khó có thể trở thành một nước phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại Lễ phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Đại biểu phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Đại biểu phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020.

Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 là một hoạt động nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và là một hoạt động nằm trong Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên.

Giải thưởng tìm kiếm các sản phẩm Make in Viet Nam xuất sắc nhất, là trụ cột trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về kinh tế số. Giải thưởng được tổ chức nhằm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam; tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu: "Nếu không Make in Viet Nam, thì nước ta khó có thể trở thành một nước phát triển. Nếu không Make in Vietnam, chúng ta sẽ không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Cái thuận lợi của Make in Viet Nam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê modul hay các sản phẩm trọn vẹn. Điều cần nhất để Make in Vietnam là có vấn đề cần giải quyết. Vấn đề có thể do chính phủ, doanh nghiệp hoặc xã hội đặt ra. Bởi vậy, đưa vấn đề của mình, bài toán của mình ra khỏi nhà của mình chính là cách tốt nhất để thúc đẩy Make in Viet Nam".

Cụm từ Made in Vietnam mang tính là “sản xuất ở Việt Nam”, không có sự chủ động, chia theo thể bị động. Còn “Make in Viet Nam” – “Làm tại Việt Nam” sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ số Việt Nam.   

Theo Bộ trưởng, nếu nhìn vào thực trạng công nghệ cao của Việt Nam chưa xuất hiện nhiều mà đánh giá không cạnh tranh được với nước ngoài thì sẽ mãi mãi không phát triển được. Ngược lại, cần xem việc chưa có nhiều sản phẩm công nghệ nội địa là cơ hội để phát triển sản phẩm của mình. Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam.

"Các doanh nghiệp công nghệ số cần chủ động không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này", Bộ trưởng khuyến nghị.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các doanh nghiệp đạt giải thưởng sẽ được quyền khai thác logo Make in Vietnam trong hoạt động tiếp thị, kinh doanh. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc giới thiệu tới các quỹ đầu tư, quảng bá và thương mại hóa sản phẩm. 

"Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng: chuyển mạnh từ hỗ trợ đầu vào sang hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số tại Việt Nam. Một số cơ chế, chính sách như: Ưu đãi thuế sản xuất phần mềm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp như đào tạo, áp dụng chuẩn, tiêu chuẩn…", ông Tâm cho biết.

Giải thưởng không phụ thuộc vào quy mô, xuất thân doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay các doanh nghiệp FDI đều có thể tham dự. Giải thưởng là hướng đến lựa chọn, tôn vinh sản phẩm công nghệ số xứng đáng nhất. Do vậy, tiêu chí không phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp. Ban Tổ chức mong muốn nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Giải thưởng được trao cho 5 hạng mục: Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc; Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc; Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (Thành thị - Nông thôn, Người yếu thế, Hạn chế mặt trái của công nghệ số) và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam.

Tin bài liên quan