Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi Mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Việt Nam được đánh giá là thành viên có trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế; đã và đang tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế trong tiến trình hội nhập.
Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện. Tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã có những chuyển biến thực chất.
Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng lớn mạnh, bước đầu đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có uy tín và thương hiệu.
Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, mở ra cơ hội mới cho đầu tư tư nhân, trong đó có đầu tư nước ngoài theo hình thức mua bán và sáp nhập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, cũng như để Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào những sân chơi mới của thế giới, vừa thúc đẩy phát triển đất nước, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tổ chức hôm nay, Bộ trước Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong trung và dài hạn.
Theo Bộ trưởng, Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Về định hướng ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tào nguồn nhân lực trong nướctrong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Về định hướng theo địa phương, vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường.
Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoàivào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Về định hướng thị trường và đối tác, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoàitừ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gianắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực.
Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút đầu tư nước ngoài.
"Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng", Bộ trưởng Dũng phát biểu.