Dự án Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Dự án Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin tiến độ giải ngân của các dự án trọng điểm quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải đáp mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội về tiến độ giải ngân của các dự án trọng điểm quốc gia.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm tiếp tục là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào là một trong các nội dung trọng tâm.

Giải đáp thắc mắc này của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong văn bản về các nội dung trả lời chất vấn đã nêu rõ tiến độ cụ thể của từng dự án.

Giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn chậm

Trước hết, về Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, theo Bộ trưởng, số vốn giải ngân đến thời điểm cuối tháng 10 là 10.091,495 tỷ đồng, đạt 65,8% kế hoạch năm 2021 được giao.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, với dự án này, hiện đã khởi công xây dựng 10/11 dự án thành phần, còn lại dự án thành phần cuối cùng, là đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đầu tư theo hình thức PPP, đang chuẩn bị khởi công xây dựng.

Trong số 10 dự án đã khởi công, dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn khối lượng thực hiện đạt 93,2%, dự kiến hoàn thành phần đường và cầu trước 15/11/2021, hoàn thành toàn bộ năm 2021; dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu khối lượng thực hiện đạt 68,25%, tiến độ vượt kế hoạch 2,12%.

“Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn, khối lượng thực hiện đạt 67%, khả năng không hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2021. Nguyên nhân là do bão lũ khu vực miền Trung năm 2020, dịch Covid-19, khó khăn trong nguồn vật liệu đất đắp và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đối với những đoạn phải xử lý nền đất yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Đây chính là 3 dự án đầu tư công ban đầu, được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Trong khi đó, với 3 dự án được chuyển đổi theo Nghị quyết số 117/2020/QH14, thì đoạn Mai Sơn - QL45 khối lượng thực hiện đạt 31%, cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Ngược lại, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tiến độ thực hiện các gói thầu đến nay chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu đất đắp nền đường và do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Còn đối với 2 dự án mới được chuyển đổi theo Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 (đoạn QL45 - Nghi Sơn; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện cả hai dự án đã triển khai thi công từ tháng 7/2021, tiến độ thực hiện cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, với 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm): đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Bộ Giao thông - Vận tải và nhà đầu tư trúng thầu đã ký kết Hợp đồng BOT. Trong đó, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt khởi công vào tháng 22/5/2021; đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã khởi công công trình vào ngày 18/7/2021.

Riêng đối với dự án chưa khởi công (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo), thì đã ký Hợp đồng BOT vào ngày 30/7/2021, dự kiến khởi công tháng 11/2021, hoàn thành trong năm 2024.

Ngoài Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.

Đây là dự án đã được Quốc hội quyết nghị tách riêng thành một dự án từ dự án tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ triển khai dự án khá chậm, khiến Chính phủ, các đại biểu Quốc hội rất sốt ruột.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã giao cho dự án là 22.855,035 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 4.660 tỷ đồng). Đến cuối tháng 10/2021, Dự án đã giải ngân được 12.116,149 tỷ đồng, đạt 53,01% kế hoạch đã giao. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2021 mới giải ngân được 886,522 tỷ đồng, đạt 19,02%.

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, thúc tiến độ giải ngân

Liên quan đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, hồi âm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, năm nay, giải ngân vốn đầu tư công chậm, bên cạnh các nguyên nhân cố hữu, như chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án kéo dài…, còn có một số lý do đặc thù.

Đó là, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự mới. Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do tác động của Covid-19 giãn cách xã hội và dẫn đến ảnh hưởng cho tiến độ. Nguyên nhân thứ ba là giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, một trong những giải pháp căn cơ là giải quyết các điểm yếu cố hữu của công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công.

Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng này, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 13/5/2021 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, kiểm soát sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, đúng mục tiêu, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai dự án, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, tránh điều chỉnh trong quá trình triển khai.

“Về cơ bản, các dự án khởi công mới được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bảo đảm thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy trình quy định tại Luật Đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chủ quản theo dõi sát sao tình hình và khả năng giải ngân của từng dự án trong từng tháng, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao theo quy định; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm 2021, 2022; bố trí đủ để thanh toán cho các cam kết hợp đồng đã ký với nhà thầu; ưu tiên các dự án khẩn cấp, trọng điểm, đang gặp vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn.

Cùng với đó, tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Tin bài liên quan