Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khuyên thanh niên phải không ngại thử nghiệm, phát triển các ý tưởng mới, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại, học hỏi từ thất bại để lại tiếp tục hoàn thiện hơn. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khuyên thanh niên phải không ngại thử nghiệm, phát triển các ý tưởng mới, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại, học hỏi từ thất bại để lại tiếp tục hoàn thiện hơn. (Ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thanh niên là lực lượng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên có sự nhiệt huyết, sáng tạo, sức bật lớn và nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và được hỗ trợ kịp thời thì sẽ trở thành các start-up nhiều tiềm năng.

“Truyền lửa” khởi nghiệp tới các bạn học sinh, sinh viên tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V khai mạc ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã xác định một trong những đột phá chiến lược là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thì thanh niên, sinh viên có sứ mệnh và trọng trách lớn.

“Đây chính là lực lượng chính để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, có sự nhiệt huyết, sáng tạo, sức bật lớn và nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và được hỗ trợ kịp thời từ các cơ sở đào tạo, ươm tạo thì sẽ có nhiều khả năng để biến các dự án khởi nghiệp sáng tạo thành hiện thực, trở thành các start-up nhiều tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường và tạo đột phá trong tương lai”, ông nhấn mạnh.

Nhắc lại câu nói của Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg về “Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận rủi ro”, Bộ trưởng đề nghị thanh niên hãy luôn có tinh thần cầu thị, luôn luôn tiến về phía trước và hãy để tuổi trẻ là những trải nghiệm đáng nhớ và giá trị. Ông khuyên thanh niên phải không ngại thử nghiệm, phát triển các ý tưởng mới, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại, học hỏi từ thất bại để lại tiếp tục hoàn thiện hơn.

“Ngoài các chương trình đào tạo tại trường đại học, cần tận dụng cơ hội để trau dồi cho mình những kỹ năng mềm, những tri thức đời sống bên ngoài sách vở để không ngừng nâng tầm tư duy, nắm bắt xu hướng công nghệ, bám sát nhu cầu thực tiễn để từ đó phát triển những ý tưởng khả thi, hiệu quả, có tính ứng dụng cao”, Bộ trưởng nhắn nhủ.

Ông cũng đề nghị các bạn trẻ cũng cần chủ động, tự tìm kiếm các cơ hội kết nối, luôn luôn đặt mình trong một hệ sinh thái để được hỗ trợ, tư vấn trong quá trình phát triển ý tưởng. Tích cực tham gia các chương trình đào tạo, ươm tạo kết nối do NIC và các đối tác của NIC tổ chức; tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Mạng lưới các Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp do NIC khởi xướng và vận hành.

Nói về các hoạt động của NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, thông qua việc hợp tác với những trường đại học, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước.

Riêng trong năm 2022, NIC đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho gần 4.000 doanh nghiệp, hơn 22.000 giảng viên, sinh viên, người lao động.

Trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ của USAID, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thông qua các đối tác đào tạo như: FUNiX, VietAI (TS. Vũ Duy Thức sáng lập)… Đến nay, đã đào tạo nâng cao năng lực số cho 673 giảng viên và học viên (136 giảng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo giảng viên; 537 học viên đã hoàn thành các khóa đào tạo kỹ năng số từ thương mại điện tử, lập trình viên, mạng Cisco, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo).

NIC đã phối hợp cùng Tập đoàn Google để triển khai Chương trình học bổng Phát triển Nhân tài số đến các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp với 6 chủ đề học trực tuyến: (1) Hỗ trợ CNTT, (2) Phân tích dữ liệu, (3) Quản lý Dự án; (4) Thiết kế trải nghiệm người dùng; (5) Marketing số và Thương mại điện tử; (6) Tự động hóa công nghệ thông tin. Đến nay, Chương trình đã cấp học bổng cho 20 nghìn sinh viên và người lao động tham gia. Trong đó, đã có 15 nghìn người tham gia học và hơn 1.000 người đã hoàn thành khóa học và được cấp chứng nhận nghề nghiệp của Google có giá trị toàn cầu.

NIC đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 40 trường đại học trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, năm 2022, NIC cũng đã ký kết hợp tác toàn diện với Đại học Huế để hỗ trợ, ươm tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên; hợp tác tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho sinh viên của Trường và các start-ups.

"Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư" - câu hát trong bài hát "Khát vọng" của Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hát cùng với các bạn thanh niên cũng là lời nhắn nhủ của ông đến các bạn học sinh, sinh viên. (Ảnh: Nhật Bắc)
"Sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư" - câu hát trong bài hát "Khát vọng" của Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hát cùng với các bạn thanh niên cũng là lời nhắn nhủ của ông đến các bạn học sinh, sinh viên. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tháng 11/2022, NIC đã khởi xướng thành lập Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng; đã phát triển từ 14 trung tâm từ tháng 11/2022 lên 20 trung tâm hiện nay.

NIC vận hành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam gồm 8 mạng lưới thành viên ở châu Âu, Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đài Loan với gần 2.000 thành viên, chủ yếu là các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ trên nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Đây là nguồn lực lớn đóng góp cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đặc biệt là kết nối, hợp tác với các trường đại học trong việc đào tạo, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

NIC cũng đã phối hợp với Meta và các đối tác tổ chức Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong Chương trình năm 2022 - 2023 đã tập hợp được hơn 450 dự án/đề xuất các giải pháp giúp Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, trong đó có rất nhiều giải pháp của các thanh niên, sinh viên.

Tin bài liên quan