Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cải cách thể chế tiếp tục là giải pháp "đột phá của đột phá" để góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội.
Phản hồi ý kiến các đại biểu khi thảo luận tại tổ 15, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 thuộc nhóm dẫn đầu thế giới là kết quả rất đáng khích lệ, dự kiến cả năm sẽ hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội cơ bản.
Kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc của xã hội và sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đánh giá, khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều, với các vấn đề chính: Nông nghiệp và du lịch chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3; tăng trưởng xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột đại chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn, đầu tư phục hồi chậm; thị trường trong nước chưa được khai thác hiệu quả...
Cải cách thể chế tiếp tục là "đột phá của đột phá"
Trước các khó khăn, thách thức đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cụ thể, với các nội dung trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là đột phá của đột phá; thực hiện hiệu quả các luật được Quốc hội thông qua liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền...; phát triển thị trường bất động sản; thu hút FDI, các nhà đầu tư chiến lược; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, đổi mới sáng tạo...
Về cải cách thể chế, theo Bộ trưởng, thời gian qua Chính phủ, Quốc hội rất tập trung cho công tác cải cách thể chế, yêu cầu cao với công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, các luật và nghị quyết đưa ra tại kỳ họp lần này có nhiều quy định mới, đột phá.
Như dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi tách giải phóng mặt bằng nhóm B, nhóm C, cho làm công tác chuẩn bị trước; phân cấp, phân quyền; cho phép địa phương đầu tư dự án của Trung ương, dùng ngân sách đầu tư cho dự án thuộc địa phương khác có tính liên vùng. “Rất nhiều vấn đề của đầu tư công lần này sẽ được tháo gỡ, thúc đẩy,” ông Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại họp tổ ngày 26/10. |
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, dự thảo 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư (trong đó có Luật Đầu tư) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cũng có đột phá mạnh như việc thiết kế một luồng xanh những dự án công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo danh mục do Bộ KH&CN ban hành - khoảng hơn 100 đầu mục.
"Nếu các dự án này lại đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất thì sẽ có hai việc được đơn giản hoá thủ tục là không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà là đăng ký đầu tư - trong vòng 15 ngày; thủ tục về báo cáo đánh giá tác động môi trường và phòng cháy chữa cháy do nhà đầu tư tự lập, tự chịu trách nhiệm và phê duyệt theo quy định, không cần phải trình cơ quan cấp trên.
Những đột phá này, theo Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, sẽ khắc phục được điểm nghẽn, đặc biệt là chuyển đổi tư duy mạnh mẽ từ tập trung vào quản lý sang vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển, giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực, nhất là các lĩnh vực mới; đẩy mạnh phân cấp phân quyền theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm.
Trong đó, Chính phủ và Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, xây dựng pháp luật, các cơ chế chính sách, tăng cường công tác kiểm tra giám sát.
Tổng rà soát các dự án "đắp chiếu"
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình làm trưởng ban, có sự tham gia Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... với mục đích rà soát các dự án ách tắc 5-10 năm nay, “đắp chiếu” để đấy.
Việc này nhằm giải quyết các dự án tồn đọng vì nguyên nhân đất đai. Trên cơ sở rà soát, sẽ phân loại đâu là nguyên nhân từ nhà đầu tư, đâu là nguyên nhân từ cơ quan nhà nước; từ đó có hướng xử lý, đảm bảo không hợp pháp hoá cái sai của các dự án đồng thời phân rõ trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết.
“Qua thống kê sơ bộ của chúng tôi thì có khoảng 160 dự án như thế với 59.000 tỷ đồng, nhưng chắc chắn thực tế còn nhiều. Lần này sẽ tổng rà soát, xem cả nước đang còn bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền. Nếu làm được điều này sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn, đóng góp ngay cho thu ngân sách, cho tăng trưởng, giúp đỡ cho nhiều doanh nghiệp đang bị đọng vốn...,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Về việc kết quả giải ngân vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, có những nguyên nhân cũ như giải phóng mặt bằng, bồi thường, giá đất... ngoài ra năm nay có thêm thêm nguyên nhân khách quan là thiên tai, bão lũ kéo dài.
“Có nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhưng trong bối cảnh như thế, vẫn có bộ ngành, địa phương giải ngân rất cao. Theo tôi, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, nếu quyết liệt, sát sao thì sẽ hiệu quả,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề và thành lập các đoàn công tác, đôn đốc thường xuyên để phấn đấu đạt kết quả giải ngân đầu tư công thấp nhất trong năm nay là 95%.