Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình trong phiên họp chiều 7/1/2022.
Chính phủ đã chuẩn bị cho các chính sách chưa có tiền lệ
Ngay trong phần đầu của bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xác định rõ, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế kinh tế - xã hội là vấn đề lớn và khó, chưa có tiền lệ, có ý nghĩa quan trọng không chỉ tới kinh tế, mà còn tới các vấn đề xã hội, hệ thống y tế, không chỉ tác động trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn.
Trước đây, để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, Việt Nam có một số chính sách đã ban hành, nhưng tính chất, phạm vi, đối tượng hẹp hơn, quy mô nhỏ hơn.
Do vậy, Bộ trưởng giải trình, Chính phủ đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu, bám sát chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và tình hình thực tiễn, điều kiện cụ thể của đất nước cùng với việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
“Chúng tôi cũng tham vấn các tổ chức nghiên cứu trong nước, nước ngoài, các doanh nghiệp, hiệp hội, các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, để xây dựng và hoàn thiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự thảo Nghị quyết về các chính sách tài khóa, tiền tệ trình Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đây cũng là lý do mà hầu hết đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu của các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Cũng phải nói rõ, các mục tiêu của chính sách được xây dựng gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của chiến lược, kế hoạch 5 năm như ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, phục hồi để phát triển bền vững. Vì vậy, các chính sách được xây dựng bám sát các quan điểm, nguyên tắc là gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cả phía cung và phía cầu, có quy mô đủ lớn, có thời gian đủ dài và có thể thực hiện được ngay.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng đánh giá, chính sách đưa ra cần đúng, trúng và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đáp ứng cả về nhu cầu ngắn hạn và dài hạn, nâng cao và củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, triển khai phải nhanh, quyết liệt, kịp thời, đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực.
Năm 2022 sẽ cơ bản giải ngân 40% tổng nguồn vốn của Chương trình
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đang băn khoăn về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và phương thức huy động cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay, nhưng lại thực hiện trong thời gian ngắn.
Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ, Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, người lao động và nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực, hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô phù hợp. Đây là cơ sở để Chính phủ đã đề xuất quy mô, phạm vi, đối tượng của từng chính sách.
“Chính sách miễn giảm thuế sẽ thực hiện ngay trong năm 2022 có thể thực hiện được ngay 100%. Hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược, cần có thời gian hoàn tất công tác chuẩn bị, nên cần có sự điều hành linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư trung hạn và chính sách tài khóa để hỗ trợ đầu tư công trong Chương trình, nhằm giải ngân có hiệu quả nguồn lực bổ sung quan trọng này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ.
Để đảm bảo nguồn vốn để triển khai, trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình trước Quốc hội, theo đó nguyên tắc là trước hết, Chính phủ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, vượt thu qua lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; thoái vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước... Sau đó mới đến huy động các nguồn vốn vay từ nguồn trái phiếu Chính phủ trong nước, rồi mới đến ODA, các khoản vốn tài trợ nước ngoài.
Việc đề xuất tổng thể các phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn trong từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. “Trong đó, năm 2022 cơ bản giải ngân 40% tổng nguồn vốn của Chương trình, phần còn lại sẽ giải ngân trong năm 2023”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với các đại biểu Quốc hội.
Về phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn vốn từ các chính sách tài khóa tiền tệ một cách hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước hết, tuân thủ các quy định hiện hành, nhất là với các chính sách tài khóa, đáp ứng các nguyên tắc phân bổ của Chương trình.
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu của chính sách đã nghiên cứu, theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, thúc đẩy cả cung và cầu của nền kinh tế, chính sách sẽ tập trung vào trước mắt nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh của nền kinh tế, gắn với nâng cao năng lực, hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện, viện tuyến trung ương, hỗ trợ và nâng cao năng lực, đào tạo lao động phục hồi ngành du lịch...
Tiếp đó là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối với các cửa khẩu phía Đông Bắc, các khu công nghiệp, khu kinh tế...
Ngoài ra việc phân bổ nguồn vốn cũng đảm bảo hài hòa các vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển, đảm bảo công bằng, nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, ưu tiên ngành có tính lan tỏa.
Nhìn chung, các chính sách được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
“Để đảm bảo cho sự thành công của chính sách, các đại biểu đã nhắc tới khâu tổ chức thực hiện sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua. Chúng tôi đồng tình với ý kiến này, đây xác định là nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đòi hỏi mỗi chúng ta phải phát huy trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng hết sức mình vào thành công chung”, Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, ông truyền tải mong muốn của Chính phủ và đề nghị các đại biểu quốc hội phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương các đại biểu đang làm đại diện.
Về các thể chế, chính sách đặc thù: đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Ngoài chính sách tài khóa và tiền tệ, Chính phủ đã trình quốc hội 3 cơ chế đặc thù. Đây là những quy định mới, chưa được quy định trong các văn bản pháp luật, nên cần trình quốc hội cho phép thí điểm trong thực hiện các dự án của chương trình, nhằm rút ngắn thời gian với công tác đầu thầu các dự án đầu tư công, đấu giá quyền khai thác khoáng sản và cấp phép quyền khai thác.
Các chính sách đặc thù này được xác định sẽ huy động sự tham gia của các địa phương trong thực hiện các dự án đầu tư đường cao tốc, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp phép cho các mỏ khoảng sản để đảm bảo cung cấp vật liệu cho dự án đầu tư công.. Đây là chính sách đặc thù trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Để đảm bảo các chính sách đặc thù được thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện, huy động sự tham gia ngay từ đầu của kiểm toán nhà nước và các cơ quan chức năng để đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội sau khi kết thúc chương trình.
Do quy mô của chương trình khá lớn, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 -2023 do tổng lực các biện pháp hỗ trợ và tác động từ bên ngoài. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới, kịp thời có chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát.
"Để nâng cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, xin cho, lợi ích nhóm... tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, nhất là trước trong và quá trình xây dựng chương trình. Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, nhất là chỉ định thầu, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm năng suất, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý", Bộ trưởng Dũng báo cáo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định, thực hiện quyết liệt, khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật; giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính, giải quyết bất cấp, cản trở doanh nghiệp phát triển ...