Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Cắt giảm tới 97% số lượng quy hoạch
Ngày 30/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch (2017) có hiệu lực thi hành (1/1/2019).
Sau khi ông Vũ Hồng Thanh, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (sau đây gọi tắt là Báo cáo giám sát), đã có 37 ý kiến của đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về nội dung nói trên.
Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thay mặt cho cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, đã có phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng đồng tình và đánh giá cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề “Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” để giám sát tối cao trong năm 2022.
"Đây là một quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời và cũng là sự đổi mới trong công tác giám sát tối cao của Quốc hội khóa XXV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, phức tạp giúp công tác điều hành của Chính phủ một cách thuận lợi hơn. Còn đối với công tác quy hoạch là đẩy nhanh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, với định hướng chỉ đạo là xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; tạo cơ chế thẩm định, độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch; coi trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch.
Dẫn chiếu về việc, Luật Quy hoạch này phải thông qua ba kỳ họp, rất nhiều ý kiến khác nhau kể cả trước, trong và sau khi ban hành, đến bây giờ vẫn còn rất nhiều ý kiến đóng góp, ông Dũng khẳng định đây là một đạo luật khó và phức tạp.
Tuy vậy, Luật Quy hoạch đã thiết lập được Hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên, thay thế cho 3.654 quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh trước đây, tương ứng với việc cắt giảm 97% số quy hoạch cần lập từ cấp tỉnh trở lên.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi việc đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu, đã chỉ đạo quyết liệt thông qua các hội nghị trực tuyến toàn quốc, ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể.
Đến nay, Luật Quy hoạch (2017) đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, đã hoàn thành phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ lập quy hoạch, đã cơ bản hoàn thành 45/111 quy hoạch và đang hoàn thiện để thẩm định, trong đó đã phê duyệt theo thẩm quyền được 7/111 quy hoạch. Tiếp đó, đã hình thành được Khung định hướng đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia và 05 quy hoạch vùng còn lại để làm cơ sở lập các quy hoạch khác.
Ngày 17/2/2022, Bắc Giang (ảnh) là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. |
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch
Tuy nhiên, đó mới là kết quả bước đầu. Bộ trưởng thừa nhận, những tồn tại, vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch là rất lớn do khối lượng công việc rất nhiều, vấn đề mới, khó, phức tạp.
“Ngoài nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập cả Luật Quy hoạch và các luật liên quan vướng mắc rất nhiều thì việc lập, phê duyệt các quy hoạch chậm còn do triển khai thực hiện giai đoạn đầu chưa quyết liệt, việc tổ chức thực hiện còn tồn tại, hạn chế”, Bộ trưởng dẫn chiếu nội dung Báo cáo giám sát.
Đặc biệt, Báo cáo giám sát đã kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết giám sát để xử lý các tồn tại, hạn chế theo hai bước, cả những vấn đề trước mắt cần tháo gỡ ngay và những vấn đề lâu dài, căn cơ trong trung và dài hạn.
Bộ trưởng đồng tình với kiến nghị này; đồng thời, xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến sâu sắc và xác đáng của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương hoàn thành các nhiệm vụ quy hoạch như sau:
Một là, tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch trên và thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình thực tiễn; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
Hai là, chất lượng quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu, có tính dẫn dắt trong việc cụ hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia và khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, thách thức của các ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ và các địa phương; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Ba là, ưu tiên phấn đấu hoàn thành quy hoạch cấp quốc gia và một số quy hoạch quan trọng, cấp bách trong năm 2022; các quy hoạch khác sẽ được tổ chức triển khai và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023.
Bốn là, trên cơ sở Nghị quyết giám sát của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tập trung giải quyết về cơ bản tồn tại, vướng mắc lâu nay nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, trong đó chú trọng đến vấn đề nâng cao năng lực của đơn vị tư vấn và cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trao đổi học tập, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đổi mới, hoàn thiện về phương pháp và nội dung quy hoạch.