Không có “xin- cho” trong phân bổ vốn
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết số dự án cần bố trí vốn giảm 2/3 so với thời gian trước nên việc bố trí vốn tập trung hơn, đẩy nhanh tiến độ công trình và phát huy hiệu quả.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc bố trí vốn cũng tập trung hơn.
“Trước đây đề xuất dự án thường gấp 3 lần với khả năng cân đối vốn thực tế nên việc bố trí vốn dàn trải. Năm 2013 mỗi năm có 15.000-16.000 dự án, nay còn 5.000 dự án, giảm 2/3 nên việc bố trí vốn cũng tập trung hơn, đẩy nhanh hoàn thành tiến độ công trình, phát huy hiệu quả các dự án, đồng thời thanh toán được nợ ứng và nợ xây dựng cơ bản trước”, Bộ trưởng cho hay.
Theo Bộ trưởng Luật Đầu tư công ra đời góp phần tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu, từ giám sát đến quyết toán, kiểm toán công trình. Việc lập bổ sung giao kế hoạch cũng chặt chẽ, đảm bảo tính công khai minh bạch, quá trình phân bổ cũng công khai công bằng giữa mục tiêu và các bộ ngành không gây phiền hà giữa các bộ ngành và các cấp đồng thời tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành địa phương.
Về phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, từ tháng 1/2015 đến nay không ghi nhận có nợ đọng. Về xây dựng nông thôn mới, trước nợ đọng 15.000 tỉ đồng thì nay đã giải quyết chỗ nợ cũ, còn 9.000 tỉ đồng và tập trung vào lĩnh vực giao thông. Đến 2020 phải giải quyết xong, nợ của địa phương thì địa phương phải giải quyết.
Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ): "Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán, nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin - cho nên phân bổ chậm? Có phải Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc chậm chế trong phân bổ vốn đầu tư không phải do cơ chế "xin - cho".
Đại biểu Hoàng Quang Hàm chất vấn sáng 15/6
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, từ nay tới cuối năm khó giải ngân hết số vốn 50.000 tỷ đồng Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Do đó, Bộ đã đề xuất giảm trái phiếu Chính phủ năm 2017 xuống để giảm vốn vay, từ đó giảm bội chi năm 2017. Một phương án khác là tăng vốn nước ngoài nếu sử dụng thiếu.
Thực hiện 2 hướng này, bội chi sẽ giữ nguyên theo chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 172.000 tỷ đồng.
Định giá lại đất nếu chuyển đổi mục đích sau cổ phần hóa
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng trong quá trình cổ phần hóa có xảy ra tình trạng thất thoát đất của doanh nghiệp, đây là vấn đề lớn lãng phí giá trị đất Nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có tình trạng nêu trên, khi cổ phần hóa đất doanh nghiệp thuê của Nhà nước không được tính vào giá trị doanh nghiệp trong định giá tài sản. Sau khi cổ phần hóa nếu chuyển mục đích sử dụng đất, giá trị địa tô tăng lên phần lợi ích giá trị tăng đó thuộc về doanh nghiệp nhưng không thuộc về Nhà nước. Đây chính là một sự thất thoát lớn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải rà soát toàn bộ quỹ đất. Nếu đất không có nhu cầu sử dụng phải trả Nhà nước. Khi cổ phần hóa, đất đang sử dụng phải định giá lại, công khai hóa, minh bạch để tính toán, quyết định giá trị của doanh nghiệp. Sau khi cổ phần hóa, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải đấu giá lại.
Cùng với đó là tình trạng Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng làm tăng giá trị đất xung quanh khu vực có hạ tầng mới như đất hai bên đường hay đất trong khu vực nhưng phần giá trị tăng lên rơi vào người được giao sử dụng đất còn Nhà nước không được hưởng. Điều này Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải tính toán lại, làm thế nào mang lại giá trị địa tô cho cả Nhà nước và người dân.
Theo Bộ trưởng thì “Nhà nước phải bỏ tiền ra để làm quy hoạch, đầu tư hạ tầng, sau đó để đấu giá, giá trị địa tô tăng lên thuộc về Nhà nước. Nếu cứ để cho doanh nghiệp đấu giá làm hạ tầng, thiết kế, đổi lại doanh nghiệp lấy quyền sử dụng đất thì giá trị địa tô tăng lên lại thuộc về doanh nghiệp trong khi họ không có công sức nhiều trong việc đó”.
Hiện tại một số địa phương đã thực hiện thí điểm đấu giá đất xung quanh khu vực có hạ tầng được Nhà nước đầu tư và mô hình này cần nhân rộng.