Những thông tin đánh giá về về tác động của dịch bệnh đối với cộng đồng doanh nghiệp trên vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội toàn cầu; làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng cung và tổng cầu trên thế giới giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái.
Dẫn kết quả khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp cuối tháng 4 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng cho biết khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.
Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thể hiện ở việc giảm mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019.
Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5
Theo Bộ trưởng, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Là bộ phận quan trọng nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện đang bị tổn thương nặng nề khi phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Trước bối cảnh khó khăn này, với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, điển hình như: Chỉ thị số 11, đây là nền tảng định hướng cho các chính sách cụ thể như Nghị quyết số 42, Nghị định số 41 của Chính phủ.
“Có thể khẳng định rằng, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Thể hiện qua con số 88% doanh nghiệp được khảo sát đã nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 11 là phù hợp và kịp thời.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều mong mỏi và kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, để đồng hành cùng doanh nghiệp chớp lấy cơ hội trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nước ta”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của doanh nghiệp là: Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. “Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, ông nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình dịch bệnh cũng như những tác động kéo dài trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được đẩy lùi và kiểm soát thành công, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam.
Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức lớn như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp; hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ; các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.
Dẫn dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, Bộ trưởng cho biết, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%; đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh đói nghèo.
GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu âm 7,5% . Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”: tăng trưởng GDP quý I năm 2020 đạt 3,82%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3 tỷ USD.
“Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì? hành động gì? để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
Ông cũng cho rằng, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
“Đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”, Bộ trưởng khẳng định.
Đứng trước những thời cơ và thách thức lớn này, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước triển vọng lớn, Bộ trưởng đưa ra đề xuất cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
“Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Bộ trưởng gợi mở 6 đề xuất để đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa: Tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…: xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân; có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch;
Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Nghiên cứu có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động như: du lịch, dệt may, da giầy, hàng không… và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để giúp doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động sẵn sàng cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.
Thứ sáu, triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.
Các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.