Dư địa tăng trưởng còn nhiều
Cụ thể, theo Bộ trưởng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 là hết sức khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%. Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%.
Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD...
Dư địa còn nhiều, vấn đề nhằm ở chỗ là làm thế nào khai thác được các dư địa này một cách nhanh, hiệu quả
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
“Đây là những tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. Cùng với đó, nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA...", Bộ trưởng đánh giá.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn rất nhiều nhân tố động lực khác để minh chứng cho triển vọng khả quan kinh tế Việt Nam trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo, như về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực...
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ Trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế để giữ vững đà tăng trưởng, không chỉ cho năm 2018, mà còn cho những năm tiếp theo.
"Dư địa còn nhiều, vấn đề nhằm ở chỗ là làm thế nào khai thác được các dư địa này một cách nhanh, hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm là hết sức tích cực, song đây mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề, đòi hỏi tất cả cần hết sức nỗ lực, tiếp tục tập trung thực hiện nhanh, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, người dân.
Trong dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo, kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những cơ hội và thách thức đan xen.
Theo Bộ trưởng, mặc dù một số dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 có thể đạt 6,85%, có năm đạt trên 7%, song Chính phủ vẫn luôn ý thức được những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
“Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là sự tăng trưởng bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển nhanh, bền vững”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Bộ trưởng Dũng cho rằng, không thể lơ là, bỏ qua những khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Bởi kinh tế thế giới chứa đựng những rủi ro, thách thức như yếu tố bất định từ những điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; các vấn đề địa chính trị tiếp tục diễn biến khó lường; xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại; rủi ro tài chính, tiền tệ hiện hữu, nhất là ở thị trường chứng khoán toàn cầu; lộ trình tăng lãi suất của Fed...
Xây dựng đặc khu theo hướng tiếp cận mới
Tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã trả lời và giải đáp rất thẳng thắn các câu hỏi của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó về việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng đặc khu là quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thay đổi tư duy. Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất thống nhất trong chỉ đạo chung là mạnh dạn, chủ động tạo dựng sân chơi mới, luật chơi mới, thể chế mới - vượt trội so với trong nước và cạnh tranh so với các quy định quốc tế, để tạo nên cực tăng trưởng, thu hút đầu tư, lan tỏa đến các khu vực chung quanh và toàn nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Dũng, mục tiêu cơ bản của việc thành lập 3 đặc khu là hình thành khu vực tăng trưởng cao và ổn định; tạo môi trường sống và làm việc năng động, hiêu quả; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; nâng cao thu nhập bình quân đầu người; đóng góp vào ngân sách và lan tỏa động lực ra toàn nền kinh tế.
“Đây là chủ trương lớn và rất mới của Đảng và Nhà nước. Vấn đề không mới nhưng cách tiếp cận mới. Cách tiếp cận của chúng ta là xác định lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, rút ra bài học, đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn và quan trọng là có tầm nhìn mang tính chiến lược”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về nguyên tắc xây dựng thể chế các đặc khu, Bộ trưởng khẳng định lại một lần nữa quan điểm của cơ quan soạn thảo là không trái Hiến pháp, không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân.
“Xây dựng thịnh vượng về kinh tế nhưng đi đôi với bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, phù hợp với thông lệ tốt và cam kết quốc tế mà ta tham gia, nhất quán ổn định lâu dài. Đặc khu có sự vượt trội trong nước và cạnh tranh quốc tế, có bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả. Với những chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đến nay, dự luật này đã đạt được chất lượng để thu hút được đầu tư, đảm bảo tính khả thi và sự thành công của các khu”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ thông qua Luật, dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ thông qua nghị quyết thành lập 3 đặc khu (Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong).
Giải đáp mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư công trình trọng điểm trong năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Đảng, nhà nước luôn khuyến khích nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ trương là xuyên suốt, nhất quán. Theo đó, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đều yêu cầu hoàn thiện ngay các yêu cầu thể chế để tạo hành lang pháp lý minh bạch, đảm bảo ổn định lâu dài để các nhà đầu tư yên tâm tham gia vào các dự án kết cấu hạ tầng.
Theo Bộ trưởng, hiện nay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành và cơ quan hữu quan đang triển khai hoàn thiện khung thể chế pháp lý nhằm luật hóa việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
“Hiện nay, chúng ta mới dừng lại ở Nghị định 15 và Nghị định 30. Chúng tôi đã sửa và ban hành Nghị định 63 thay cho Nghị định 15, còn Nghị định 30 đang được chỉnh sửa. Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi đang xây dựng lộ trình để ban hành luật về PPP. Luật này sẽ trình Quốc hội vào 2019. Cái này sẽ tạo ra sự minh bạch và khiến nhà đầu tư yên tâm hơn”, Bộ trưởng cho biết.