Nhiều điểm sáng ấn tượng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn các số liệu thống kê về tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện nay cho thấy, vốn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/năm, tăng 82% so với bình quân của giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2018, đạt 41,7 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017 và tăng xấp xỉ gấp 3 lần so với năm 2011.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017. Đáng chú ý, đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước dần được cải thiện.
Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/năm trong giai đoạn 2016 - 2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015.
“Có được kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Với định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng khẳng định.
Tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng thể hiện ở tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760.000 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh cả số lượng và quy mô.
Chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.
Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như SunGroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet... tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao...
Các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch 3 vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội.
Những vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại
Dù có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng; doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển.
“Tất cả cần phải được tập trung làm rõ các nguyên nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ, khắc phục và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước hết, điều này thể hiển ở tình trạng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao, đồng thời, còn thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa khi đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp.
“Mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong 2 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn là rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình phải đạt khoảng 5 - 10%). Chúng ta hiện mới có chưa đến 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Các doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu và thấp, thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn khởi động, bắt tay vào đầu tư khoa học công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như Vingroup, Viettel, CMC... Tuy nhiên, số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây cho thấy, mới chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp.
Đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%). Chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D). Tỷ trọng chi phí dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học còn yếu. Trình độ lao động, nhân lực, quản lý còn hạn chế…
Trong khi đó, mức độ bảo vệ nhà đầu tư còn thấp, chưa trở thành điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, chưa khơi thông được nguồn lực còn rất nhiều tiềm năng trong xã hội. Bối cảnh thế giới đang thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Bên cạnh đó, những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng, đây là những vấn đề cần được các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp thời gian qua về các kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa.
4 định hướng và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại diện cho Bộ kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở một số định hướng và giải pháp để giải quyết khó khó khăn, tháo gỡ các rào cản và các vấn đề tồn tại vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó, tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Cần tiếp tục tận dụng nhiều hơn nữa mạng lưới tri thức cao người Việt trong và ngoài nước, đang sống và làm việc ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Cùng với đó là chính sách thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.
Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn
Ngoài đề xuất Chính phủ các định hướng và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
Doanh nghiệp cần chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế. Tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong. Phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời, tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam cần được thay đổi nhận thức, hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia dân tộc hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính doanh nghiệp, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo Bộ trưởng, các giải pháp cần bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, giải quyết cả vấn đề trước mắt và lâu dài, huy động được sự tham gia của tất cả các bên liên quan, các cơ quan của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cùng với quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị ngày hôm nay, ban hành một kế hoạch hành động yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ để đưa ra định hướng phát triển toàn diện, bao quát cho cả doanh nghiệp quy mô lớn, vừa và nhỏ, trong khoảng thời gian trung hạn 5 năm nhằm bảo đảm tính ổn định và hiệu quả của các cơ chế, chính sách. Sử dụng một phần ngân sách thích đáng trong kế hoạch 5 năm tới để triển khai các cơ chế, chính sách mang tính hỗ trợ phù hợp với pháp luật và cam kết quốc tế.