Xu hướng phục hồi rõ nét ở cả ba động lực tăng trưởng
Ngày 4/11/2023, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2023. Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
“Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Chúng ta đã chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Một vài chỉ số đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng để chứng minh cho nhận định của mình. Một trong số đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được giữ tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 9,56 tỷ USD).
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước (51,34%).
“Hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Theo Bộ trưởng, khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 9,4% (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%); khách quốc tế 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi tích cực hoặc duy trì đà tăng nhanh.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, cũng tích cực hơn. Cụ thể, trong tháng 10, có khoảng 15.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 5.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, lần lượt tăng 18,5% và 44,2% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, có trên 148.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 2,9%.
Tập trung thúc đẩy động lực tăng trưởng mới
Mặc dù tình hình đã khả quan hơn, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.
“Những vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, quyết liệt tháo gỡ, nhưng khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn do phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới, khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đấy là lý do khiến tính chung 10 tháng, xuất khẩu vẫn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, các nhóm hàng chủ lực và thị trường xuất khẩu lớn chuyển biến chậm, tiếp tục gặp nhiều khó khăn; nhập khẩu giảm 12,3%, trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất (chiếm gần 94% kim ngạch nhập khẩu) giảm 12,2%.
Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả; sức cầu tiêu dùng vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng đã có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 27/10 chỉ tăng 7,1% (cùng kỳ tăng 11,45%).
“Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt, gây phiền hà, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận và cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô.
Không chỉ thu ngân sách nhà nước 10 tháng giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, mà nợ xấu có xu hướng tăng. Việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” cũng còn nhiều khó khăn. Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Áp lực điều hành tỷ giá, biến động nguồn cung và giá dầu thế giới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm…
“Khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo sức ép lớn lên công tác quản lý, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Trong bối cảnh này, theo Bộ trưởng, cần bám sát tình hình, tiếp tục thực hiện linh hoạt, nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp, chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, tận dụng cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.