Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 6 giải pháp để doanh nghiệp thích ứng, bứt phá, tạo lập vị thế mới

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 6 giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng thích ứng để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu.

Hôm nay (26/9), hàng nghìn doanh nghiệp ở Hà Nội và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính để tiếp tục tìm giải pháp gỡ khó khăn vì Covid-19.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng rưỡi qua, Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh Chính phủ và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng chủ trì hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9
Thủ tướng chủ trì hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9

Nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai tích cực

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt trong hơn 1 tháng qua.

Mới đây, trên cơ sở Kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp ngày 8/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nghị quyết bao gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 04 nhóm chính: (1) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; (2) Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; (3) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết. Các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ theo quy định. Cụ thể:

- Thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện khoảng 650 tỷ đồng, ước tính tổng giá trị 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng.

- Đẩy mạnh triển khai Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ tính đến nay đã thực hiện khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

- Gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua vào ngày 24/9/2021, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét ban hành chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng. Ước tính giá trị các giải pháp hỗ trợ này là trên 22 nghìn tỷ đồng.

- Về hỗ trợ tín dụng: Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 theo hướng mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Lũy kế từ 23/01/2020 đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 520 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho hơn 1,1 triệu khách hàng là khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

- Các chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền ký quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không... đều đang được các bộ, ngành triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.

- Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm cũng đang được triển khai và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành trong tháng 9 năm 2021.

- Về tạo điều kiện trong việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới theo quy định tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương để triển khai nội dung này.

- Các ứng dụng thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành như: Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó Covid-19; nền tảng QR quốc gia dùng chung, ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và nền tảng xét nghiệm dùng chung thống nhất đã hoàn thành và cung cấp cho các tỉnh và các bộ.

- Việc hướng dẫn thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt cũng đang được Bộ Giao thông vận tải, các bộ liên quan và địa phương triển khai tích cực. Tính đến nay, giấy nhận diện phương tiện được cấp tự động trên phần mềm cho khoảng gần 600 nghìn xe.

- Các địa phương tiếp tục hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tích cực triển khai các chính sách và giải pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tăng mức hỗ trợ và cụ thể hóa các chính sách phù hợp với thực tế; đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp và vận hành Hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning, đã có hơn 20.000 lượt học tập, truy cập và trải nghiệm trên Hệ thống; triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, hiện nay đã có 10.000 doanh nghiệp tiếp cận, 350 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ chuyên sâu.

Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hiện nay Bộ Tư pháp đang tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2025 phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.

Cùng với đó, người đứng đầu Ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các Tổ công tác đặc biệt Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cũng đang được triển khai tích cực, nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. “Xin lưu ý, đây là các Tổ công tác đặc biệt, liên ngành do 01 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó Thường trực. Nếu các doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc gì trong thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ hoặc những vấn đề mới phát sinh, đề nghị gửi trực tiếp đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan thường trực của Tổ công tác, hoặc đường dây nóng đã được công bố để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

6 giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tạo lập vị thế mới

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết số 105/NQ-CP cho biết, 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% DN cho biết chính sách tại Nghị quyết số 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, HTX hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ và cơ quan thường trực của Tổ công tác, để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 6 kiến nghị tại Hội nghị.

Một là, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Hai là, Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.

Ba là, Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.

Bốn là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.

Năm là, với các địa phương, cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng.

Tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Sáu là, về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội, Bộ trưởng đề nghị càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ (ví dụ như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm…). Cùng với đó, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội cần giúp Chính phủ giữ được ổn định kinh tế, xã hội, môi trường đầu tư hấp dẫn, tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay”. Bộ trưởng khuyến nghị và thúc đẩy các chủ thể này cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh và doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay.

Tin bài liên quan