Thưa Bộ trưởng, xin ông đưa ra những đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế sau 14 năm phát triển?
Kể từ khi thị trường được thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển đất nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong gần 14 năm qua, thị trường chứng khoán nước ta phát triển an toàn, không bị đổ vỡ, đóng cửa như nhiều nước khác và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
Cụ thể, thị trường đã tạo lập được một mô hình, thiết chế thị trường chứng khoán phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. thị trường chứng khoán đã tạo điều kiện cho Chính phủ, các DN huy động vốn cho đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất -kinh doanh.
Thị trường chứng khoán đã góp phần tích cực tái cơ cấu và thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) DNNN, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao tính công khai, minh bạch, quản trị công ty, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN; tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN. Từ đó tạo được niềm tin đối với NĐT trong và ngoài nước.
Quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh mẽ, gấp hàng trăm lần so với những năm đầu thành lập. Thị trường chứng khoán đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, thúc đẩy CPH, bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia...
Để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế và DN, như định hướng tái cơ cấu thị trường chứng khoán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đang chỉ đạo triển khai những giải pháp trọng tâm nào?
Theo Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1826/2012, thì công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán sẽ hoàn tất vào cuối năm 2015.
Căn cứ lộ trình thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán tại Đề án, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai cụ thể hàng năm; định kỳ 6 tháng, hàng năm đều báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai. Đến nay, công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó một số mục tiêu đã hoàn thành trước so với kế hoạch.
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán, phấn đấu đến năm 2020 đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo, Bộ Tài chính đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế và các cam kết quốc tế, triển khai xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh.
Tiếp tục tái cấu trúc cơ sở hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng; nâng số lượng cổ phiếu có thể chuyển nhượng tại DN có sở hữu Nhà nước; hoàn thiện hệ thống giao dịch, gắn CPH với giao dịch trên thị trường tổ chức.
Thúc đẩy phát triển NĐT tổ chức; triển khai giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng, giảm bớt số lượng. Hoàn thiện và triển khai công tác tái cơ cấu hệ thống tổ chức thị trường chứng khoán, xây dựng và mở rộng thêm các thị trường mới.
Trong quá trình triển khai kế hoạch CPH 432 DN giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán trong góp phần hoàn thành kế hoạch này. Xin Bộ trưởng cho biết những định hướng chỉ đạo lớn đang được Bộ Tài chính triển khai để góp phần hoàn thành kế hoạch CPH này?
Kể từ khi Thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vận hành chính thức năm 2000 đến nay, về cơ bản công tác CPH DNNN đã được đẩy mạnh, đặc biệt là từ năm 2004. Phương thức thực hiện đấu giá CPH, thoái vốn Nhà nước qua Sở GDCK, đã bảo đảm được các mục tiêu của công tác CPH đặt ra: nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản lý và công nghệ của DN; gắn CPH với niêm yết trên thị trường chứng khoán...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về CPH, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình CPH DNNN cùng với những giải pháp tái cơ cấu, phát triển thị trường chứng khoán.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 929/QĐ-TTg.
Các Bộ, ngành, địa phương, DNNN cần căn cứ phương án sắp xếp, CPH, đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các DN xây dựng kế hoạch CPH và thoái vốn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để triển khai đúng tiến độ.
Thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định 1826/2012 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích NĐT tham gia mua cổ phần của DN...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các DNNN, Bộ Tài chính tin rằng kế hoạch CPH DNNN sẽ được triển khai thành công, góp phần quan trọng vào quá trình tái cơ cấu DNNN theo tinh thần Quyết định 929/QĐ-TTg.
Đầu năm 2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014 của ngành tài chính như là minh chứng cho bước tiến mới trong phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Xin Bộ trưởng đánh giá về kết quả của sự phối hợp điều hai chính sách này trong hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển, cũng như định hướng phối hợp điều hành hai chính sách thời gian tới?
Nhiều năm qua, Bộ Tài chính và NHNN đã thực hiện phối hợp khá chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Ngày 29/2/2012, Bộ Tài chính và NHNN ký ban hành Quy chế phối hợp, trong đó có các nội dung phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; phát triển thị trường tài chính; thanh tra, giám sát thị trường tài chính.
Triển khai Quy chế này, từ năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính và NHNN đã đẩy mạnh cơ chế phối hợp điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ. Trong đó, có nội dung UBCK đã phối hợp với NHNN trong trao đổi thông tin về tình hình sở hữu chéo, giao dịch cổ đông lớn, cổ đông nội bộ trên thị trường chứng khoán…
Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đã góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế và bảo đảm hệ thống tài chính - ngân hàng vận hành an toàn, lành mạnh, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, tạo sự minh bạch và góp phần hạn chế sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Theo đó, tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, thu/chi ngân sách Nhà nước, dự kiến điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để đáp ứng mục tiêu điều hành chính sách của hai cơ quan.
Tiếp tục phối hợp trong công tác phát hành trái phiếu chính phủ. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thanh khoản thị trường tiền tệ; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, qua đó sẽ hỗ trợ cho công tác phát hành trái phiếu Chính phủ, cũng như sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Tiếp tục phối hợp trong công tác thanh tra, giám sát thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.