Chuyện người cầm cương TTCK
Là thị trường của niềm tin, nên không riêng với TTCK Việt Nam, mỗi khi thị trường đối mặt với những biến cố, thông điệp của nhà quản lý như chiếc phao níu giữ niềm tin trong giới đầu tư. Bởi vậy, trong bối cảnh TTCK Việt Nam bất ngờ đối mặt với không ít biến cố trong năm qua, đã có những ý kiến tiếc nuối, pha chút trách cứ rằng, trên cương vị đứng đầu Bộ Tài chính, lẽ ra khi ấy Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nên có thông điệp trấn an giới đầu tư, cũng như dành sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên hơn đối với lĩnh vực chứng khoán.
Phản ánh tâm tư của thị trường đến Bộ trưởng, câu trả lời ĐTCK nhận được là: “Nói tôi ít quan tâm chỉ đạo TTCK là… không chuẩn. Trong năm qua, để xử lý tình huống, bản thân tôi phải có những chỉ đạo kịp thời. Nhiều giải pháp ứng phó nhanh đã được báo cáo hỏa tốc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó thị trường đã vượt qua thách thức, dần lấy lại sự cân bằng và ổn định. Có điều, không phải chỉ đạo nào cũng công bố, cũng xuất hiện trên báo chí, nên thị trường, giới đầu tư không phải lúc nào cũng nhận diện được”.
“Mỗi khi TTCK đối mặt với các biến động lớn, tôi cũng như các lãnh đạo bộ khác không có chuyện ngồi yên. TTCK diễn biến rất nhanh, buộc chúng tôi phải có giải pháp rất nhanh, cả bên trong lẫn bên ngoài, để hỗ trợ thị trường ổn định”, Tư lệnh ngành Tài chính chia sẻ, đồng thời cũng cho rằng, bất kỳ một thông điệp, một phản ứng chính sách nào, chỉ cần thiếu cẩn trọng một chút thôi, đều không có lợi cho thị trường nhạy cảm này.
Là một chính khách kinh qua nhiều cương vị công tác từ cơ sở cho đến các cơ quan Trung ương, các lĩnh vực trong và ngoài ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chiêm nghiệm: “Làm tài chính là hành động, tuyên bố nhiều mà không hành động là không ổn”.
“Những lúc TTCK gặp khó khăn lớn, tôi trực tiếp lên báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hành động cụ thể, để giúp tâm lý giới đầu tư, thị trường cân bằng. Tôi không thích cách tuyên bố, trấn an suông. Trong tình huống tôi công khai phát đi thông điệp, thì nghĩa là tôi đã hành động trước rồi, chứ không phải đợi nói xong mới làm”, Bộ trưởng trải lòng như để thị trường, giới đầu tư hiểu thêm về con người ông, phong cách điều hành của ông.
Phải vượt qua chính mình
Ở câu chuyện lớn hơn, điều hành ngân sách quốc gia, Bộ trưởng Dũng chia sẻ, ông thường nói với nhân viên: “Phải vượt qua chính mình, đừng làm tài chính theo kiểu 1+1 = 2 nữa”. Theo đó, chính sách tài chính phải là chính sách mở, để đạt hai mục tiêu rất quan trọng là khơi thông nguồn lực tài chính và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó. “Phải làm cho nguồn lực ngày một dồi dào và tăng trưởng bền vững, mới có thể hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững”.
Muốn khơi thông nguồn lực tài chính, điều quan trọng là phải có hệ thống cơ chế hiệu quả, linh hoạt, để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực về vốn tham gia đầu tư, sản xuất - kinh doanh, qua đó gieo trồng và nuôi dưỡng các nguồn thu mới cho ngân sách.
Huy động được nguồn lực tài chính đã khó, làm sao sử dụng hiệu quả nguồn lực này cũng… rất khó. “Có tiền rồi, tiêu sao cho hiệu quả, đó mới là tài chính”, Bộ trưởng nói. Có sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính mới có thể gia tăng niềm tin trong giới đầu tư và phát triển được nguồn thu mới cho ngân sách, cũng như đảm bảo khả năng hoàn trả của ngân sách đối với các nguồn lực tài chính mà ngân sách đã huy động để sử dụng cho các mục tiêu chi cho đầu tư phát triển, cải thiện an sinh xã hội...
Minh chứng cho định hướng điều hành trên, nhất là ở khía cạnh thúc đẩy cải cách chính sách, để huy động hiệu quả hơn các nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, trong năm qua, Bộ Tài chính đã làm những việc… khác thường.
Đó là để thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, Bộ đã ban hành Thông tư 119/2014 sửa đổi, bổ sung 7 thông tư. Ngoài đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 91/2014 sửa đổi, bổ sung 4 nghị định về thuế, Bộ Tài chính còn đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật số 71/2014 sửa đổi, bổ sung 5 luật về thuế. Để tư tưởng cải cách ngấm nhanh vào cuộc sống, nhiều văn bản đã được rút ngắn tối đa khoảng thời gian từ lúc ban hành cho đến khi có hiệu lực. Cụ thể, Thông tư 119/2014 có hiệu lực sau 5 ngày ban hành, thay vì quy định thông thường là 45 ngày; Luật số 71/2014 có hiệu lực sau hơn 1 tháng ban hành, thay vì thông thường là 6 tháng…
“Phải tốc độ thì mới cải cách được, chứ cứ làm như thông thường, thì tự thân nó đã làm giảm đi ý nghĩa của các giải pháp cải cách”, ông Dũng nói.
Phong cách “làm trước, nói sau” của Bộ trưởng còn được thể hiện ở một câu chuyện khác. Trong năm 2014, lãnh đạo Bộ đã mời Thủ tướng Chính phủ xuống làm việc với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và đưa ra những chỉ đạo mang tính đột phá về cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm.
“Trước khi Thủ tướng đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ như vậy, tôi và các lãnh đạo Bộ đã rất sát sao chỉ đạo các thủ trưởng đơn vị liên quan tập trung rà soát kỹ lưỡng xem khả năng cắt giảm thủ tục thuế, hải quan đến đâu. Khi Thủ tướng chỉ đạo, chúng tôi mới dám hứa là sẽ thực hiện thành công”, ông Dũng chia sẻ.
Cương quyết trong chỉ đạo, điều hành, nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng rất thấu hiểu, sẻ chia sự vất vả, áp lực của nhân sự trong ngành. “Trong chỉ đạo, ngoài sự cương quyết, tôi muốn động viên anh em cùng gắng sức hoàn thành nhiệm vụ. Có những thời điểm mình làm việc kín cả thứ Bảy, Chủ nhật, rồi đến đêm mới kịp tiến độ công việc, nên thấu hiểu được sự vất vả của anh em. Không gì vui hơn khi toàn ngành đạt kết quả công tác tốt. Nhưng không gì áp lực hơn là vượt qua chính mình để làm tốt nhiệm vụ trong tương lai”, ông Dũng nói.