Xin Bộ trưởng cho biết, công tác sắp xếp, đổi mới DNNN tại Bộ GTVT đã thực hiện được đến đâu so với kế hoạch đặt ra?
Tính đến tháng 1/2011, Bộ GTVT có 94 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó có 4 doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
90 doanh nghiệp còn lại do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập, gồm: 15 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 30 công ty do các công ty mẹ - tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ; 3 công ty thuộc các trường đại học; 5 công ty thuộc Bộ; 13 công ty thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; 24 doanh nghiệp thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Trong 3 năm từ 2011 - 2013, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện cổ phần hóa 54 doanh nghiệp, trong đó có 10 tổng công ty 90 do Bộ quyết định thành lập. Như vậy, Bộ đã hoàn thành công tác cổ phần hóa như kế hoạch đề ra.
Theo lộ trình, giai đoạn 2014 - 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện cổ phần hóa toàn bộ các DNNN còn lại mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Năm 2014, cổ phần hóa 27 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, gồm: 3 doanh nghiệp thuộc Bộ (trong đó cổ phần hóa Công ty mẹ -Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ), 10 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty, 2 doanh nghiệp thuộc các trường đại học và 10 Đoạn Quản lý đường sông thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp vận tải đường sắt; hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng biển còn lại; thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương I; cổ phần hóa Công ty mẹ -Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty mẹ -Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Đến hết tháng 10/2014, Bộ đã thành lập 27 ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp; phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa cho 25 doanh nghiệp; phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 17 doanh nghiệp.
Bộ trưởng có thể chia sẻ các giải pháp đã mang lại những kết quả tích cực đó?
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai các giải pháp để thúc đẩy công tác tái cơ cấu DNNN như sau:
Một là, thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến khâu tổ chức thực hiện, nhằm giúp cán bộ, Đảng viên, người lao động hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hai là, bám sát thực tiễn, nắm bắt, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Ba là, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp tìm kiếm, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện bán đấu giá công khai (IPO).
Bốn là, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Những khó khăn mà các doanh nghiệp thuộc Bộ gặp phải trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu là gì? Bộ giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ cao, vượt so với quy định (có doanh nghiệp lên đến 10 lần), lãi suất tín dụng cao, một số doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quá nhanh, trong khi quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
Thị trường chứng khoán chưa hồi phục, các tổ chức tín dụng đang cơ cấu lại các danh mục cho vay, khả năng hấp thụ của thị trường đối với lĩnh vực chứng khoán còn yếu cũng là khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian đầu, ban lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa thực sự quán triệt chủ trương của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc tổ chức thực hiện thiếu quyết tâm, chưa thực sự gắn kết giữa trách nhiệm người đứng đầu với tiến độ thực hiện việc cổ phần hóa doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp có những vướng mắc, chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời với yêu cầu của doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng trên, trong 3 năm qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược, đây là yếu tố quan trọng để cổ phần hóa thành công. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung từ Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ, kết hợp với công tác tuyên truyền đã có tác động rất lớn đến nhận thức của từng lãnh đạo doanh nghiệp, công nhân viên và người lao động, tạo ra sự lan tỏa thành phong trào trong công tác cổ phần hóa. Trường hợp cần thiết, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT quyết định thay đổi nhân sự, bổ sung những cán bộ có năng lực, tâm huyết để chỉ đạo, thực hiện công tác cổ phần hóa.
Trong quá trình thực hiện, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ với tổ chức tư vấn, doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp với các bộ, ngành có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, góp phần lành mạnh tài chính, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo thêm sức hút cho các nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng, đâu là những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, tái cơ cấu DNNN?
Yếu tố quan trọng đầu tiên đó là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành các nghị quyết về công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, có những bước đi thích hợp trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, nếu lãnh đạo các doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa theo kế hoạch sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm cá nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm cả việc điều chuyển công tác.
Bên cạnh đó, Bộ đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai cổ phần hóa. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ đều hoàn thành công tác cổ phần hóa trong thời gian quy định.
Thực tế triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN nói chung, có tình trạng cổ phần hóa kiểu “bình mới, rượu cũ” hoặc tái cơ cấu nửa vời. Bộ GTVT có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Để hạn chế tình trạng này, căn cứ danh mục tiêu chí, danh mục phân loại DNNN do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đối với các doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối và có thể bán hết phần vốn Nhà nước nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược.
Đây chính là giải pháp để thực hiện cổ phần hóa triệt để, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia trực tiếp quản lý, điều hành và tăng quyền quyết định của các nhà đầu tư trong việc tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2014 và 2015, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp còn lại thực hiện cổ phần hóa theo định hướng trên, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia làm cổ đông của các doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.