Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều 21/6
Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (Một luật sửa 4 luật) với nội dung chính là cho phép 4 luật này có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với hiệu lực cũ là ngày 1/1/2025).
Trong đó, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ có 2 điều được đề xuất áp dụng sớm do liên quan đến Luật Nhà ở 2023.
Đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về dự án Luật này, với điều kiện Chính phủ phải khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật, làm cơ sở để các địa phương ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền; đảm bảo việc áp dụng Luật mới được đồng bộ, thống nhất, không tạo ra khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho thực hiện, phát sinh rủi ro tiêu cực...
Văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được chuẩn bị sớm
Phát biểu giải trình trước Quốc hội sau phần thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai có lẽ là bộ luật duy nhất đến thời điểm này được xây dựng và thông qua tại 4 kỳ họp Quốc hội, cho thấy việc làm ra bộ luật này đã được Quốc hội tiến hành rất kỹ lưỡng.Chúng ta cũng cho lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đã có hơn 12 triệu ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng Luật Đất đai.
Chúng ta nhất quán một quan điểm trong làm luật, nhất là Luật Đất đai, là những nội dung yêu cầu dùng luật thì phải thực hiện được ngay ở dưới địa phương, dưới cơ sở và điều hành được. Hiện nay đa số các điều luật, như Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, có nhiều nội dung trước đây nằm trong thông tư, nghị định thì bây giờ đã được cụ thể hóa trong luật, cho nên rất nhiều nội dung có thể thực hiện ngay mà không cần phải văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, bây giờ Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo khi trình dự thảo luật thì phải trình luôn dự thảo nghị định và các văn bản hướng dẫn luật. Như vậy, song song với quá trình dự thảo và chỉnh lý Luật Đất đai, chúng ta đã dự thảo các nghị định, các văn bản hướng dẫn luật đi cùng để báo cáo với đại biểu Quốc hội những điểm Chính phủ quy định hướng dẫn, những điểm địa phương hướng dẫn.
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thông qua vào tháng 10/2023, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, vì lùi thông qua Luật Đất đai thêm một kỳ Quốc hội nữa, cho nên để đồng bộ hiệu lực cùng với Luật Đất đai thì 2 luật này đã lùi hiệu lực đến 01/01/2025.
"Cho nên những nội dung chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, của Chính phủ đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã thực hiện rất kỹ lưỡng, thậm chí nếu có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thì còn chậm hơn 1 tháng so với hiệu lực cũ là 01/7/2024", Bộ trưởng thông tin.
Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 21/6 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 |
Văn bản hướng dẫn đã được soạn thảo theo đúng quy trình, không cần rút gọn
Một vấn đề nữa, các đại biểu rất quan tâm việc chuẩn bị các nghị định, quyết định, các thông tư và hướng dẫn của địa phương. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, ngay từ khi Luật Đất đai được bấm nút vào tháng 01/2024 thì Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh nghị định và các thông tư.
"Cho nên ở đây không có rút gọn quy trình, tức là đã thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng chỉ cho phép được rút gọn quy trình về mặt hiệu lực, thời gian, ví dụ nghị định có hiệu lực sau 45 ngày, như vậy có thể ký hiệu lực ngay, nhưng quy trình và chất lượng của các nghị định, các thông tư không rút gọn", ông Khánh nói và nhấn mạnh, một số nghị định đã lấy phiếu thành viên Chính phủ lần thứ hai.
Trong 10 ngày vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì trực tiếp với các Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo; các bộ, ngành họp trực tuyến và trực tiếp với các địa phương, các hiệp hội và cho rà lại tiếp các nội dung của nghị định.
Chính phủ đã hứa với Quốc hội là các báo cáo, tờ trình sẽ ban hành trong tháng 6. Hiện nay, chúng tôi đang chờ thủ tục và chỉ còn chỉnh lý về mặt kỹ thuật đối với các chính sách .
Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định:
Thứ nhất, Luật ban hành sớm nhưng làm đầy đủ quy trình, đáp ứng được quy trình của ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, Luật ban hành sớm nhưng đầy đủ, đảm bảo chất lượng của luật.
Thứ ba, Trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn, Chính phủ đã lấy ý kiến các địa phương, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để bổ sung cho đảm bảo đồng bộ.
Nhấn mạnh hiệu quả của việc áp dụng Luật sớm, Tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cho hay, rất nhiều chính sách của 3 luật sẽ khơi thông và thu hút nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai, trong đó giải quyết được nhiều tồn đọng, nhiều mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
"Ví dụ chính sách giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; cấp sổ đỏ cho những hộ gia đình có đất đã ở ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước; tạo cơ hội cho kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được tham gia vào thị trường đất đai và nhiều chính sách đất đai mang lại lợi ích cho quốc gia công cộng khác... nếu được thực hiện sớm thì sẽ có nhiều thuận lợi", ông Khánh nói.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng nhấn mạnh, một số chính sách, nhất là phân công, phân cấp, Quốc hội đã bấm nút cho rất nhiều địa phương có cơ chế đặc thù, đó là chuyển đổi đất lúa và đất rừng. Hiện nay tất cả các địa phương đều phản hồi là những gì chúng ta thí điểm mà làm tốt thì nên đưa vào luật.
"Luật Đất đai 2024 chúng ta đã đồng ý phân cấp, phân quyền cho địa phương. Việc này cũng giải quyết được thủ tục hành chính, thời gian cho các địa phương trong thu hút nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương rất tốt. Tôi lấy ví dụ một vài chính sách để chúng ta thấy rất cần thiết, rất được mong chờ, rất tốt cho địa phương, doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.