Chia sẻ sau loạt hội nghị của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vừa diễn ra ở Philippines, Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã có trao đổi song phương với các nước ASEAN về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Rất mừng là các nước ASEAN có những nhận định và đánh giá tương đối giống nhau về hiệp định này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra các quyết định về TPP”, ông Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo ngành Công Thương tiết lộ, các nước trong nội khối Đông Nam Á đã thống nhất sẽ thảo luận, đánh giá tình hình kỹ hơn về TPP tại hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới. “Chúng tôi sẽ thảo luận kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới”, Bộ trưởng Công Thương tiết lộ.
"Dường như xu hướng bảo hộ ở một số nơi càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài"
- Bộ trưởng Bộ Công thươngTrần Tuấn Anh.
Trong khi đó, vào hôm qua (15/3), đại diện Bộ trưởng Ngoại giao, Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP đã kết thúc cuộc họp tại Chile với 3 chủ đề là khả năng TPP không có Mỹ; việc xây dựng một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương...
Ông Heraldo Munoz - Ngoại trưởng Chile đánh giá đây là cơ hội gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tự do thương mại, chống bảo hộ mậu dịch... Tuy vậy, chưa có một giải pháp chính thức nào được đưa ra.
Hồi cuối tháng 1/2017, ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump đã ký lệnh tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời Tổng thống Obama.
TPP trước đó được xem là hiệp định thương mại tự do lịch sử với sự tham gia của 12 nước: Mỹ, Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Động thái rút khỏi TPP của Mỹ đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).
Đề cập về xu hướng bảo hộ thương mại đang nổi lên thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, thương mại thế giới vừa qua phát triển chậm lại và không còn thể hiện được vai trò là đầu tàu kéo kinh tế toàn cầu phát triển.
Một số nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu e ngại các tác động của tiến trình toàn cầu hóa đến công ăn việc làm trong nước. Đây là nguyên nhân gây nên tâm lý chống toàn cầu hóa ở một số nơi.
Tuy nhiên, trong bình diện ASEAN thì xu hướng chung vẫn là hợp tác, tăng cường hội nhập. “Dường như xu hướng bảo hộ ở một số nơi càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài”, ông nhận xét.
Ông cũng cho biết, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất lộ trình để sớm ký kết và đưa Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU vào thực hiện thời gian tới. Những vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp với mặt hàng gạo, hạt tiêu cũng sẽ sớm được 2 bên ngồi lại cùng bàn thảo, giải quyết. "Về kinh tế thị trường, EU khẳng định sẽ không có bất cứ biện pháp phân biệt đối xử nào với Việt Nam...", Bộ trưởng chia sẻ.