Vi phạm vẫn còn nhưng không nghiêm trọng như trước, đến nay, hoạt động bán hàng đa cấp đã cơ bản được quản lý tốt, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định trong một báo cáo mới gửi đến Quốc hội.
Quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp là yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra từ kỳ họp thứ 2 của nhiệm kỳ này, sau khi chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương. Từ đó đến nay, năm nào báo cáo của Bộ trưởng gửi Quốc hội cũng đều có nội dung về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tại báo cáo này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận, xử lý 41 lượt hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đa số các doanh nghiệp hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua xem xét thẩm định, Bộ đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho 3 doanh nghiệp, trả lại 32 lượt hồ sơ của 17 doanh nghiệp.
Đến nay, trên toàn quốc có 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn hoạt động.
Trong năm 2019, Bộ đã tiếp nhận khoảng 100 lượt khiếu nại, đơn kiến nghị, đơn tố cáo… liên quan đến người tham gia bán hàng đa cấp. Số lượng đơn thư có dấu hiệu giảm mạnh so với giai đoạn trước, Bộ trưởng so sánh.
Theo Bộ trưởng thì đến nay, hoạt động bán hàng đa cấp đã cơ bản được quản lý tốt, số lượng vụ việc vi phạm vẫn còn nhưng đã giảm và không còn nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng xảy ra như những năm trước đây.
Trong năm 2019 Bộ Công Thương đã xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 1,81 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 doanh nghiệp do có vi phạm nghiêm trọng.
Tại các địa phương, Bộ trưởng phản ánh, do hoạt động bán hàng đa cấp cơ bản đi vào khuôn khổ, việc xử lý vi phạm có xu hướng giảm so với các năm trước. Theo tổng hợp báo cáo của 50/63 Sở Công Thương, trong năm 2019 có 4 địa phương thực hiện xử phạt với tổng số tiền là 1,139 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Báo cáo trước phiên chất vấn của Bộ trưởng cho biết năm 2016 có đến 1,3 triệu người tham gia bán hàng đa cấp thì đến cuối 2019 chỉ còn khoảng hơn 800.000 người. Trong đó có chưa đến 300.000 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2016 - 2017 doanh toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ/năm, năm 2018 đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của 23 doanh nghiệp đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 25 % so với cùng kỳ năm 2018).