Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc làm việc với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), gặp gỡ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, tiếp Trợ lý Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) về các cơ chế hợp tác thương mại song phương và hợp tác trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, cùng nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Trong lĩnh vực năng lượng, các đối tác Hoa Kỳ rất quan tâm đến định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam những năm tới, nhất là Quy hoạch điện VIII Quốc gia cũng như việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp lý mở đường cho sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Texhong (Hồng Kông, Trung Quốc), ông Hong Tian Zhu, Chủ tịch Tập đoàn này khẳng định, tương lai của Texhong gắn với Việt Nam. Đến nay, hơn một nửa lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn hiện tập trung ở Việt Nam, trị giá hơn 1,5 tỷ USD và sử dụng tới hơn 25.000 lao động.
Các sản phẩm chính của Tập đoàn Texhong là mặt hàng sợi và vải dệt kim phục vụ xuất khẩu với nguồn bông nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó chủ yếu từ Hoa Kỳ. Thời gian tới, Texhong mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương trong quá trình xử lý những thông tin bất lợi gần đây liên quan đến nguồn gốc bông nhập khẩu phục vụ sản xuất vải sợi.
Thời gian tới, Tập đoàn Texhong mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương trong quá trình xử lý những thông tin bất lợi gần đây liên quan đến nguồn gốc bông nhập khẩu phục vụ sản xuất vải sợi.
Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021 cho biết, Hoa Kỳ hiện là nhà cung cấp bông nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Hàng năm, ngành dệt may đều chi hàng tỷ USD để nhập khẩu bông về phục vụ ngành kéo sợi. Năm 2021, chi ngoại tệ nhập khẩu bông tăng 41,6% so với năm 2020, trị giá 3,23 tỷ USD, trong đó nhập bông từ Hoa Kỳ đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 36% tổng kim ngạch nhập khẩu bông,
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh kể từ khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp không chỉ cần quan tâm tới việc tận dụng cơ hội do các hiệp định này đem lại mà còn cần quan tâm tới các vấn đề liên quan tới nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành hàng cũng như của bản thân doanh nghiệp.
Về vấn đề Tập đoàn Texhong nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương sẵn sàng có trao đổi và có công thư gửi cho các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ đề nghị các cơ quan này xây dựng cơ chế thực thi các đạo luật có tác động tới doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận một cách khách quan, công bằng, đảm bảo lợi ích lợi ích chính đáng của ngành dệt may Việt Nam, của người lao động Việt Nam cũng như người tiêu dùng Hoa Kỳ, không tạo ra rào cản cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam và cho phép các doanh nghiệp có cơ hội giải trình về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.