Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Thưa Bộ trưởng, phong trào thi đua yêu nước đã có ý nghĩa thế nào đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê?
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trong 5 năm qua, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng đề ra tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II và với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong ngành, gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Có thể nói, việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, gắn với đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong thời gian qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thiết thực, tạo động lực thúc đẩy toàn ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu công tác của ngành.
Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ những thành tích mà ngành đã đạt được trong thời gian qua?
Kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua của Ngành đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước. Nổi bật là đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và hiện đang xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trình Đại hội Đảng và Quốc hội thông qua, đồng thời tham gia xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng...
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn, đặc biệt là sau tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới tới kinh tế Việt Nam, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã đề xuất nhiều giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…
Nhờ đó, lạm phát được đẩy lùi, từ trên 18% của năm 2011 xuống còn 1,84% của năm ngoái; từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế qua các năm, nếu như năm 2012 chỉ tăng trưởng 5,25% thì năm 2014 đã đạt được 5,98% và 6 tháng đầu năm nay là 6,28%.
Kế hoạch năm nay là tăng trưởng 6,2%, nhưng nếu nỗ lực, chúng ta có thể vượt mục tiêu đề ra. Với kết quả này, tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011 - 2015 sẽ đạt trên 5,8%/năm, tạo ra tiền đề để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững cho các giai đoạn sau.
Một khía cạnh khác, là ngành đã góp phần quan trọng đổi mới công tác quản lý đầu tư công, thể hiện rõ nét trong việc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg và sau này là Luật Đầu tư công. Có thể nói, việc triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg đã góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán kéo dài nhiều năm qua, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Còn trong những lĩnh vực khác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý nhà nước?
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Bộ cũng đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ thu hút được khá lớn nguồn lực này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, FDI phục hồi mạnh, vốn đăng ký giai đoạn 2011 - 2015 đạt 98 tỷ USD, thực hiện đạt 59,96 tỷ USD; vốn ODA ký kết khoảng 30 tỷ USD, giải ngân khoảng 23 tỷ USD. Những nguồn lực này đã góp phần rất lớn bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, tạo động lực và nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, công tác thống kê...
Có một đóng góp lớn của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê mà gần đây dư luận thường nhắc tới, đó là chuyện cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Đúng là cùng với tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, chúng tôi đã có những đề xuất, kiến nghị liên quan đến đổi mới thể chế kinh tế, đến tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Có những đề xuất đổi mới của chúng tôi được đánh giá là có tính mở đường, đột phá, có hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chẳng hạn, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Tiếp đó, với tư duy đổi mới, chúng tôi đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Chúng tôi cũng đã trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Thống kê, đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Những dự án luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, tiếp tục đổi mới nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Những tư tưởng đổi mới trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), với tư tưởng xuyên suốt, thống nhất và minh bạch về việc người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt cho người dân và doanh nghiệp…
Tôi mong rằng, toàn ngành sẽ phát huy truyền thống 70 năm ngành Kế hoạch, Đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước một cách thiết thực để tạo động lực mới nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.