Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội thảo “Cải cách thể chế: Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 6/3.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, cải cách thể chế không thể chần chừ hơn được nữa. Và nếu không đổi mới tư duy, quan điểm phát triển, thì nền kinh tế sẽ chỉ quanh quẩn ở mức tăng trưởng thấp và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vẫn chỉ là những lời hô hào.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Đề án nghiên cứu Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, dự kiến gồm có 5 chuyên đề.
Chuyên đề 1 là đổi mới tư duy, quan điểm phát triển của Việt Nam, tập trung nghiên cứu luận điểm đổi mới tư duy, quan điểm phát triển kinh tế và xác định rõ những ngành, những lĩnh vực trọng tâm cần phát triển.
Trên cơ sở đổi mới tư duy và quan điểm, chuyên đề 2 đề cập đến vấn đề cải cách toàn diện thể chế kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Chuyên đề 3 là đổi mới việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong điều hành kinh tế.
Chuyên đề 4 là đổi mới thể chế phát triển hệ thống tài chính và cuối cùng là chuyên đề cải cách thể chế dịch vụ công, để xác định rõ Nhà nước làm đến đâu và tư nhân làm đến đâu.
Về các giải pháp cụ thể, ông David Dollar, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, có 4 lĩnh vực cần tái phân bổ các nhân tố sản xuất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng tại Việt Nam.
Thứ nhất là chuyển nguồn lực từ nông nghiệp sang lĩnh vực chế tạo, dịch vụ; thứ hai là chuyển nguồn lực từ khối phi chính thức quy mô nhỏ sang khối tư nhân hiện đại.
Theo ông David Dollar, hiện khối DN tư nhân của Việt Nam có quy mô rất lớn, nhưng lại chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ. Nếu chuyển đổi được lực lượng này, hoặc tập hợp lại thành các mô hình lớn hơn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Thứ ba là dịch chuyển từ các dự án hạ tầng với tỷ lệ lợi nhuận thấp sang các dự án đầu tư công kết hợp với tỷ lệ nhuận cao. Thứ tư là dịch chuyển nguồn lực từ các DNNN kém hiệu quả sang các DNNN hiệu quả hơn và sang khối DN tư nhân.
“Tái cơ cấu và cổ phần hóa được khối DNNN sẽ có nhiều tác động tích cực cho tăng trưởng”, ông David Dollar nói và cho rằng, để làm được như thế, Việt Nam cần cải cách thể chế ở 6 lĩnh vực, đó là hệ thống đăng ký hộ khẩu; thị trường đất đai; hệ thống tài chính; quan hệ ngân sách giữa địa phương và Trung ương; vấn đề cải cách và mở cửa kinh tế đối với một số ngành, thể hiện ở việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do; tính minh bạch của nền kinh tế.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc học hỏi kinh nghiệm tốt từ các quốc gia đi trước là cần thiết, nhưng cũng cần soi lại những vấn đề chúng ta chưa làm được, cái gì làm hỏng, và có thể, cần truy ra được yếu tố nào đã gây ra điều đó. Trong quá trình triển khai, do có nhiều vấn đề mới, nên cần phải vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, lấy kết quả thực tiễn để khẳng định sự phù hợp cũng như phương hướng và cách làm tiếp theo.
Ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, đổi mới thể chế kinh tế là một vấn đề phức tạp. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là nhằm sử dụng các nguồn lực của đất nước hiệu quả hơn, khi mà các nguồn lực này ngày càng khan hiếm.
Theo Bộ trưởng, hiện có nhiều nguồn lực cả về con người, tài chính, tài nguyên khoáng sản… chưa được sử dụng một cách tối ưu, gây ra tình trạng lãng phí ở nhiều ngành, nhiều địa phương và toàn bộ nền kinh tế. Việc cải cách thể chế phải hướng tới một cơ chế sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực này.
“Nghị quyết của Đảng đưa vấn đề cải cách thể chế ra là rất đúng đắn, chỉ có điều bây giờ chúng ta cần cụ thể hóa, chi tiết hóa những việc cần làm và làm như thế nào, như vấn đề cổ phần hóa DNNN là một nút thắt, nút thắt này cần sớm cởi bỏ và chắc chắn sẽ cởi bỏ được”, Bộ trưởng khẳng định.