Quy trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tuân thủ quy định thống nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
Đúng là sự thay đổi nào cũng không tránh khỏi những khó khăn, nhất là khi đây là năm lần đầu tiên, việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn được thực hiện. Song đây là việc phải làm, vì chỉ thay đổi được tư duy trong lập kế hoạch đầu tư, lựa chọn dự án, chuẩn bị nguồn vốn, đồng thời chặt chẽ trong từng bước thực hiện Luật Đầu tư công, thì kỷ cương trong quản lý đầu tư công mới được thiết lập, hiệu quả sử dụng vốn mới được đảm bảo.
Tại các hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, sẽ không có bất cứ sự du di hay nể nang nào đối với hành vi không tuân thủ Luật Đầu tư công, bất kể người đó ở cấp nào, vị trí công việc nào.
Thông điệp chính thức được phát đi, đó là tình trạng “bốc thuốc” trong lập kế hoạch đầu tư, làm dự án để đặt chỗ trong kế hoạch hay các quyết định đầu tư để ghi điểm của các vị lãnh đạo sẽ không còn cửa tồn tại. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2015, việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, dù dưới hình thức nào, cũng thuộc hành vi bị cấm và những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tất nhiên, cái khó cho người thực hiện có thể thấy ngay từ mục tiêu, quy trình thủ tục buộc phải tuân thủ của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đó là, phải thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) sao cho phủ hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công cùng khả năng huy động. Đối với các dự án khởi công mới trong 5 năm 2016-2020, ngay từ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, các bộ, ngành và địa phương phải bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để trình duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Dự án nào chưa hoàn tất thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không đủ điều kiện giao kế hoạch.
Quy trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tuân thủ quy định thống nhất cho từng nguồn vốn, theo các bước báo cáo cấp có thể quyền cho ý kiến, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo 3 lần dự thảo trước khi hoàn tất phương án phân bổ vốn chi tiết và giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các cấp, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đặc biệt, trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, các bộ, ngành, địa phương chỉ phân bổ 85% tổng số vốn, còn lại 15% để dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh khi triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng năm cụ thể.
Có thể thấy, với cách làm này, quyền chủ động nằm trong tay các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương rất lớn trong việc xác định tổng vốn đầu tư, phương án phân bổ vốn cũng như lên danh mục dự án dự kiến cho 5 năm tới.
Nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề khi các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo đủ các điều kiện để các dự án trong danh mục triển khai đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả số vốn đã đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Thậm chí, có thể có những địa phương có rất ít dự án mới được khởi công do không đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu của Luật Đầu tư công. Khi đó, khoản vốn được phân bổ có thể sẽ chỉ đủ để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trước ngày 31/12/2014 và những dự án dở dang, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản của một vài địa phương có thể sẽ chậm lại trong một vài năm tới…
Thực tế đang đòi hỏi phải khẩn trương tháo gỡ những trở ngại trong việc triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, mặt khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Đầu tư công để bức tranh đầu tư công của Việt Nam thực sự thay đổi theo hướng hiệu quả và có tác động lan tỏa tích cực.