Về nội dung chất vất với từng đại biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ từng ngành có các nhóm vấn đề khác nhau.
Bộ Tài chính có các vấn đề đầu tư công, quản lý, kiểm soát được đầu tư công, giá cả thị trường, nhất là với những mặt hàng thiết yếu, chống thất thu thuế, chuyển giá, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ Giáo dục và đào tạo có vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo, tập trung vào chất lượng đào tạo đại học, dạy nghề, giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, đề án đổi mới giáo dục.
Bộ Tư pháp thì có nội dung tổ chức triển khai Hiến pháp năm 2013, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, chất lượng văn bản, hướng dẫn tổ chức để Luật đi vào cuộc sống, thi hành án dân sự…
Thanh tra Chính phủ được tập trung chất vấn về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng, phòng chống tham nhũng hiệu quả, giải pháp, biện pháp, phòng chống tham nhũng ngay trong nội bộ ngành Thanh tra.
“Ngoài ra còn có các Bộ khác cùng làm rõ thêm các nhóm vấn đề có liên quan”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và cho biết, đến nay bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi nhất là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tiếp đến là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Như vậy, danh sách các bộ trưởng trả lời chất vấn không có Bộ trưởng Bộ Y tế dù đây là lĩnh vực được nhiều câu hỏi từ các đại biểu.
Giải thích điều này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Đúng là có nhiều ý kiến gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế và y tế cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều vấn đề. Nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhiều lần trả lời chất vấn và tại phiên họp 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngay trước kỳ họp, Bộ trưởng đã giải trình, được truyền hình trực tiếp cho nhân dân theo dõi và trực tuyến cho 63 tỉnh, thành để đại biểu chất vấn”.