Nợ công khó khăn
Bộ trưởng cho biết, tình hình nợ công tuy nằm trong giới hạn, nhưng thực sự có khó khăn và mong được sự chia sẻ của đại biểu, nhân dân.
“Hơn 98% vốn vay là để phục vụ chi đầu tư phát triển, còn lại là vay vào ngân sách và chi thường xuyên” – Bộ trưởng Dũng nói.
Vốn vay là nguồn vốn đáng kể, nhiều dự án lớn trọng điểm như hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay đã đi vào sử dụng, góp phần ổn định xã hội phát triển kinh tế.
Trong điều kiện kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, cơ cấu ngân sách cùng lúc phải sắp xếp, thực hiện nhiều chủ trương dẫn đến tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách giảm lớn so với những năm trước.
Năm 2011, nợ công bằng 50% GDP, tăng 24% so với năm trước. Đến năm 2012 là 50,8%. Năm 2013 là 54,2%. Năm 2014 ước đạt 60,3% và 2015 là 64% GDP.
Bộ trưởng cho biết thêm, chúng ta vẫn đảm bảo trả đầy đủ kịp thời nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu. Cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng cũng góp phần giảm phụ thuộc vào phần vốn vay nước ngoài và giảm rủi ro tỷ giá.
“Về sử dụng tiền vay qua tổng kết, chúng tôi thấy là chúng ta vay để đầu tư chiếm trên 98%, vay vào ngân sách 1,4% và chi sự nghiệp 0,4%” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Áp lực huy động vốn
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến nợ công “bùng phát”, Bộ trưởng cho biết, hiện áp lực huy động vốn hàng năm vẫn rất lớn, mặc dù đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm, nhưng việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho phép đầu tư dài hạn tăng nhanh chiếm khoảng 77-78% trong tổng số phát hành.
Nghĩa vụ trả nợ của ngân sách tăng nhanh, đặc biệt là trong vài năm tới. Một số dự án vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ không hiệu quả làm phát sinh nợ dự phòng, làm tăng chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Do cân đối khó khăn nên bố trí trả nợ dưới mức nhu cầu và phải thực hiện phát hành đảo nợ phần nợ gốc. Rất may lãi suất không tăng so với kỳ hạn trước.
Một nguyên nhân khác là do chúng ta phải tăng mức bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, tăng mức bảo lãnh cho các dự án lớn như ngành điện, điện hạt nhân, hàng không.
Trong khi đó, thị trường vốn chưa phát triển, chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm dẫn đến phải vay từ các nguồn vốn ngắn hạn, chi phí cao. Cơ cấu trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn 1 - 3 năm chiếm tỷ trọng cao, năm 2011 là 62,7%, đến năm 2012 là 75,8% là, năm 2013 là 77%. Điều này làm tăng áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Tiết kiệm chi, tăng cường đầu tư ngoài ngân sách
Để giảm áp lực nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chống thất thu buôn lậu, gian lận thương mại giảm nợ thuế, cải cách hành chính trong thuế và hải quan tạo nguồn thu phát triển bền vững.
Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chống lãng phí trong chi thường xuyên, quản lý chặt các khoản chi, tinh giảm bộ máy… Kết hợp với cơ cấu lại cân đối ngân sách để dành tiền chi đầu tư, trả nợ, cải thiện đời sống cán bộ công chức.
Đối với chi đầu tư phát triển, phân bổ tập trung, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, kêu gọi hợp tác công tư và các hình thức đầu tư không sử dụng ngân sách.
“Chúng ta tiếp tục các giải pháp phát triển thị trường tài chính, trái phiếu trong nước để cơ cấu lại nợ công, tăng thêm khoản vay trung hạn, dài hạn, hạn chế huy động với thời hạn ngắn lãi suất cao” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phương án nợ công từ nay đến 2020
Về dự tính nợ công đến năm 2020, Bộ trưởng cho biết, yêu cầu huy động vốn trong thời gian tới của Chính phủ và các địa phương rất lớn. Cụ thể, vay của Chính phủ đảm bảo cân đối ngân sách gồm dự kiến ngân sách tiếp tục bội chi trong năm 2015 là 5% sau đó giảm dần 4% vào năm 2020
Phát hành trái phiếu chính phủ theo kế hoạch, dự kiến 2017 - 2020 bình quân 50.000 tỷ đồng/năm
Thời gian tới cân đối ngân sách cho trả nợ còn khó khăn do yêu cầu chi trả nợ tăng nhanh, cần tiếp tục thực hiện phát hành để đảo nợ một phần nợ gốc đến hạn.
Vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi về cho các doanh nghiệp vay lại, dự kiến mức giải ngân vay vốn nước ngoài khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm trong đó vay để cho vay lại khoảng 1,5 - 2 tỷ USD/năm.
Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp vay thực hiện các dự án trọng điểm với giá trị bảo lãnh bình quân 3 - 4 tỷ USD /năm. Về phát hành trái phiếu trong nước, mức tăng dư nợ bình quân 10%/năm với nhu cầu vay Chính phủ bảo lãnh từ 60.000-70.000 tỷ /năm.
Vay của chính quyền địa phương khoảng 30.000 - 45.000 tỷ đồng/năm.
Với nhu cầu như vậy, dự báo các chỉ tiêu nợ công như sau:
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2020 |
|
Nợ công/GDP |
64% |
64,9% |
64% |
60,2% |
|
Nợ Chính phủ/GDP |
48,9% |
49,4% |
46,6% |
||
Nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP |
14,3% |
12,8% |
|||
Nợ chính quyền địa phương |
6,8% |
||||
Nghĩa vụ trả nợ bố trí từ ngân sách/thu ngân sách |
16,5% |
17,5% |
19,5% |
||
Đảo nợ |
14,4% |
12% |
|||
Nợ nước ngoài/GDP |
42,6% |