Cụ thể, theo Bộ trưởng Dũng, khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các doanh nghiệp bảo hiểm bảo vệ về mặt tài chính trong trường họp xảy ra sự kiện bảo hiểm, mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa.
Cùng với đó, bảo hiểm đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, chính sách bảo hiểm thiên tai, năng lượng nguyên tử… Quan trong hơn, bảo hiểm cũng đã đóng góp tích cực trong các nhiệm vụ mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ.
Điển hình sau các vụ gây rối trật tự giữa tháng 5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương tạm ứng bồi thường 430 tỷ đồng cho 370 DN bị thiệt hại, góp phần khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về vai trò của bảo hiểm, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng chỉ ra các điểm làm được của bảo hiểm trong việc thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập hợp tác kinh tế quốc tế. Trong đó, thị trường bảo đã góp phần bổ sung nguồn vốn dài hạn ổn định cho nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 130.000 tỷ đồng cho đến hết năm 2014. Trong đó, tổng số tiền đầu của doanh nghiệp bảo hiểm
vào trái phiếu Chính Phủ đạt 70.000 tỷ đồng, góp phần ổn định các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính Phủ.
Không phủ nhận những kết quả đạt được đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khiêm tốn mà theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trần Xuân Hà, đó là quy mô, tỷ lệ doanh thu bảo hiểm/GDP còn thấp so với khu vực và các nước trên thế giới, sản phẩm bảo hiểm chưa linh hoạt; công tác quản trị, điều hành DN còn nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tổng hợp các ý kiến đóng góp tại Hội nghị để trình Lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, nếu cần sẽ báo cáo Chính phủ nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.
Năm 2014, tổng doanh thu của thị trường đạt 67.169 tỷ đồng, đạt mức 2,44% so với GDP. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 54.635 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2013; tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 20.766 tỷ đồng, tăng 11,7%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế là 128.938 tỷ đồng, tăng 13,4%; tạo công ăn việc làm cho hơn 400 nghìn người. |