Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thảo luận tại Tổ 15, sáng 22/10
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh quan điểm này khi phát biểu thảo luận tại Tổ 15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trước đó, nhiều đại biểu đã nhắc tới những lo ngại của doanh nghiệp về tình trạng rất khó khăn, thậm trí là có thể gián đoạn hoạt động, phá sản... mà đại biểu nhận được qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này. Khó khăn mà doanh nghiệp kêu nhiều nhất là tiếp cận vốn.
Ông Ngô Đông Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Tổ trưởng Tổ 15 ngay khi mở đầu phiên làm việc đã nhắc tới các chuyên viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - những người trực tiếp tham gia thực hiện các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội cũng có mặt để ghi nhận các ý kiến của đại biểu.
“Chúng tôi cũng hiểu, doanh nghiệp đang rất khó khăn, không chỉ khó tiếp cận vốn, mà còn khó nhiều mặt. Tiếp cận đất đai khó, mà có tiếp cận được thì khó giải phóng mặt bằng. Đầu tư công giải ngân chậm cũng từ giải phóng mặt bằng khó, nếu không gỡ thì không thể đẩy nhanh được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm.
Đặc biệt, trong bối cảnh này, những khó khăn từ môi trường đầu tư – kinh doanh lại nổi lên, làm khó thêm cho doanh nghiệp. Tồn tại không chỉ đến từ thủ tục hành chính phức tạp. Bộ trưởng Dũng đề cập gần đây, nhiều địa phương e ngại, sợ sai, nên dừng lại, đình trệ nhiều. Nhiều dự án đã cấp phép, đang triển khai cũng vướng mắc nhiều, chậm được tháo gỡ. Khi chậm tháo gỡ thì lại tạo nên các điểm nghẽn và khi đó là một vòng luẩn quẩn, các nguồn lực không thể khai thông...
Ngay cả những chậm trễ trong giải ngân đầu tư công của năm nay, bên cạnh những khó khăn thường được nhắc tới, còn có câu chuyện của giá nguyên vật liệu, xăng dầu lên cao..., nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ...
“Khó khăn của doanh nghiệp vì vậy còn rất lớn. Chiều mai (23/10), Thủ tướng Chính phủ lại triệu tập cuộc họp nữa, để lắng nghe các chuyên gia có ý kiến về tình hình hiện tại, đánh giá những khó khăn về dòng tiền, những giải pháp để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, điều hành lãi suất phù hợp nhưng phải thúc đẩy và bảo đảm sản xuất", Bộ trưởng thông tin.
Nếu không tháo gỡ cho từng ngành, từng doanh nghiệp, từng dự án đang đang hoạt dộng tốt, đang có nhu cầu vay vốn, mà cào bằng thì rất nguy hiểm, rất khó khăn. Việc điều hành đang cần theo sát hơn, linh hoạt hơn.
Chúng tôi sẽ báo cáo các giải pháp căn cơ để thúc đẩy tốc độ giải ngân, Bộ trưởng trao đổi và cam kết sẽ tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở phân tích sâu hơn các nguyên nhân, để có giải pháp đúng và trúng. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023.
Nhắc tới năm 2023, Bộ trưởng chia sẻ, đây là năm bản lề, có ý nghĩa với kế hoạch 5 năm, nếu không giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, quan trọng là giữ đà tăng trưởng, tận dụng cơ hội thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu kế hoạch.
Trước mắt, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang hoạt động, sẽ khai thông ngay nguồn lực cho phát triển vì các dự án mới sẽ cần độ trễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng cho biết đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy, tin là tình hình sẽ cải thiện rõ rệt trong các tháng cuối năm và năm 2023, sau các cuộc làm việc, kiểm tra rốt ráo của Chính phủ, các tổ công tác. Đặc biệt, một số giải pháp mới có thể sẽ được đề xuất, như một số hành động trước, kiểm đếm, đo đạc... để tiến độ dự án có thể đi nhanh hơn 6-8 tháng.
"Chúng tôi đang nghiên cứu thêm, sẽ trình Chính phủ để Chính phủ xin ý kiến Quốc hội", Bộ trưởng Dũng chia sẻ thêm và mong các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ.