Đến hết tháng 2/2020, mới có 603 tỷ đồng (tương ứng 1,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 2,2% kế hoạch Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các chủ đầu tư) được đưa ra khỏi Kho bạc Nhà nước.
Khác với thông lệ trước đây, năm nay, vốn đầu tư công được Chính phủ giao từ rất sớm. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng được giao quyền chủ động điều chuyển vốn giữa các dự án để có thể giải ngân hết hơn 30.000 tỷ đồng vốn kế hoạch 2020.
Thế nhưng, đến hết tháng 2/2020, mới có 603 tỷ đồng (tương ứng 1,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 2,2% kế hoạch Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các chủ đầu tư) được đưa ra khỏi Kho bạc Nhà nước. Hầu hết chủ đầu tư, PMU đều có kết quả giải ngân rất thấp hoặc chưa giải ngân, dẫn đến tỷ lệ giải ngân 2 tháng đầu năm của Bộ GTVT đạt thấp so với tỷ lệ bình quân chung (7,3%) của cả nước.
Đây rõ ràng là bước chạy đà không đạt tại các dự án GTVT trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu tư công đang được coi là động lực quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam hiện chịu rất nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid -19.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá sẽ tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, bởi dòng vốn này bung ra chậm sẽ không có tác dụng kích cầu, kể cả cầu các yếu tố cho sản xuất và cầu tiêu dùng các sản phẩm được đưa vào tiêu dùng để tính giá trị cuối cùng vào tăng trưởng. Hơn nữa, vốn đầu tư công còn có tác dụng như nguồn vốn mồi đầu tư vào các khâu, lĩnh vực thiết yếu để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm từ 5 đến 7 đồng vốn trong xã hội, cho nên vốn đầu tư công chậm sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng nhiều nguồn vốn khác.
Ngoài những nguyên nhân mang tính cố hữu như vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục thẩm định, điều chỉnh các dự án rườm rà, mất nhiều thời gian; năng lực yếu kém của các chủ đầu tư, nhà thầu… một hiện tượng rất đáng lưu tâm trong công tác quản lý xây dựng cơ bản ngành GTVT là việc đánh giá các hồ sơ dự thầu nhiều gói thầu xây lắp có quy mô lớn tại một số dự án trọng điểm rất chậm. Có những gói thầu được mở thầu từ tháng 11/2019, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng do có thêm nhiều cơ quan liên quan được mời vào tham gia soát xét.
Từ thực tế giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc chuyển đổi 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng thành đầu tư công sẽ kéo dài, khó có thể khởi công vào tháng 8/2020 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nếu tiếp tục thực hiện theo quy trình và cách làm hiện nay.
Cần phải nói thêm rằng, sự thận trọng trong công tác đấu thầu cũng như thực hiện các quy trình đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản là điều cần thiết, nhưng nếu không quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, còn “tâm lý phòng thủ”, thì sẽ rất khó đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào thời điểm này cần một tâm thế, cần cách làm đặc biệt, bởi nó không chỉ có ý nghĩa sử dụng hết nguồn vốn được phân bổ, mà quan trọng hơn là sẽ góp phần tạo động lực duy trì tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là một trong những động lực giúp nền kinh tế vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh, từ đó hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn của năm cuối cùng trong kế hoạch 2016 - 2020.