Thưa Bộ trưởng, EVFTA và IPA được ký kết trong thời điểm này có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?
Tôi phải khẳng định, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định này trải rộng trong tất cả các lĩnh vực, cả về thương mại, dịch vụ, hàng hóa, đầu tư, các điều kiện ưu đãi, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…., EVFTA không chỉ nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, mà còn tạo điều kiện tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành những chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới. Cùng với EVFTA, Hiệp định IPA được ký kết sẽ giúp vị thế của Việt Nam được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.
Tác động dễ thấy nhất của EVFTA và IPA đối với nền kinh tế Việt Nam là gì, thưa Bộ trưởng?
Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn 7 năm ngay kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, mở ra cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông - thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau quả), đồ gỗ…
Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Cùng các FTA khác, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, tạo nền tảng cho phát triển, tiến bộ xã hội, giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.
Thưa Bộ trưởng, khi EVFTA và IPA được ký kết và phê chuẩn, liệu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ châu Âu có sớm đổ vào Việt Nam?
Tôi phải nói ngay, EVFTA và IPA khi đi vào thực thi, môi trường đầu tư và những điều kiện kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trước tiên cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất đáng kể. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Với việc thuận lợi hóa thương mại như vậy, các nhà đầu tư châu Âu có rất nhiều điều kiện để tiếp tục đầu tư, tham gia phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tương đối ở Việt Nam hiện nay, như công nghiệp chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, hay các ngành công nghiệp mũi nhọn như ô tô, điện tử…
Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN.
Việc mở cửa thị trường luôn tạo nhiều cơ hội cho xuất khẩu, đầu tư, hoàn thiện thể chế, nhưng chắc chắn cũng sẽ kéo theo không ít thách thức, thưa Bộ trưởng?
Tất nhiên, như các FTA khác, hiệp định này cũng sẽ kéo theo một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, nên tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Trước áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn, một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất. Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự cạnh tranh này là những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về quy mô, nguồn lực, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực…
Cũng cần nói thêm, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững...
Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp lý trong nước.
Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai.