Xuyên suốt phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương từ chiều 4 đến sáng 5/6, trong 3 nhóm nội dung chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với vị "Trưởng ngành" và bày tỏ băn khoăn về khai thác hiệu quả từ các FTA chưa như kỳ vọng, tỷ trọng xuất khẩu phụ thuộc nhiều khối FDI... giải pháp cho câu chuyện này.
Báo cáo về tình hình ký kết và thực thi các FTA, Bộ trưởng Diên nói: "Đến nay, Việt Nam có 16 FTA đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành 1 trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu".
Xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại. Đặc biệt, năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước. 5 tháng đầu năm 2024, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Không thể phủ nhận, việc khai thác các FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhưng, sâu xa hơn Bộ trưởng Diên thừa nhận: "Hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng, xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nội còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài".
Trước câu hỏi, làm sao để đảm bảo được các tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn về môi trường cho hàng xuất khẩu vào các thị trường tiêu chuẩn khắt khe, và nguồn nhân lực thực thi, đáp ứng FTA của đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên), Bộ trưởng Diên khẳng định: "Để khai thác hiệu quả các FTA suy cho cùng thì vấn đề là con người, phải có con người có hiểu biết, có kỹ năng, có nghiệp vụ thực thi thì lợi ích sẽ mới thuộc về chúng ta".
Giai đoạn vừa qua, nguồn nhân trong lĩnh vực này từ khâu đàm phán đến khâu triển khai thực thi các FTA đều rất mỏng, đó là một lỗ hổng và yếu kém của chúng ta. Do đó, Bộ trưởng đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải có kế hoạch, có chiến lược để tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ thạo về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế cũng như là các FTA, nếu không hiểu thì rất khó để thực hiện.
Việt Nam đã tham gia 16 FTA và đang đàm phán 3 FTA mới, tuy nhiên với góc nhìn của đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội), việc thực thi các chính sách để tối đa hóa lợi ích, mở rộng các thị trường mới vẫn đang còn bộc lộ nhiều bất cập, đồng thời chất vấn:, Bộ Công thương có chính sách cụ thể nào để tận dụng FTA với các đối tác ở những thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói "cần thời gian để thực hiện lộ trình này". Ông cho hay, ngoài các thị trường truyền thống, cơ quan này đang mở rộng ra nhiều thị trường xuất khẩu mới như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan... đây là những thị trường tiềm năng, với quy mô dân số 2 tỷ người, trong đó 500-600 triệu người có thu nhập trung bình cao.
Cùng đó, tiêu chuẩn hàng vào các thị trường này không quá khắt khe, họ cũng có nhu cầu lớn về nhóm hàng tiêu dùng, lương thực mà Việt Nam có thế mạnh; chi phí logistics hợp lý... tạo thêm cạnh tranh cho hàng Việt.
Về giải pháp thúc đẩy các thị trường này, Bộ trưởng Diên nói vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường; đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại...
Trăn trở của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về việc tìm giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cho hàng hóa của doanh nghiệp trong nước để cân bằng tỷ trọng xuất khẩu, trong khi hiện nay phần lớn tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên "phúc đáp" đầy đủ bức tranh thực tế về tỷ trọng thương mại.
Ông Diên cho biết: "Các doanh nghiệp FDI hiện nay đang chiếm một tỷ trọng lớn xuất khẩu của nước ta, khoảng trên dưới 73%. Thực tế này có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, công nghệ, thương hiệu và mạng lưới phân phối từ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, các doanh nghiệp nguồn lực thì hạn chế, mà mới chỉ đang từng bước thâm nhập vào thị trường".
Thêm nữa, các doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, giá trị luôn vượt trội so với nhóm hàng nông sản của các doanh nghiệp nội.
"Hội nhập không phải chỉ đo đếm bằng các FTA hay đo đếm bằng các dự án mà nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, hay kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng lên hằng năm mà thước đo ở đây phải là đo bằng sức khỏe của nền kinh tế đất nước, bằng sự hội nhập của chính các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đây là mục tiêu lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông Diên nói: "Thời gian qua, doanh nghiệp nội đã vươn lên hội nhập khá tốt nhờ có sự tiếp cận và liên kết các doanh nghiệp FTA. Bằng chứng năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu trong các doanh nghiệp là khu vực doanh nghiệp nội giảm thấp hơn so với doanh nghiệp ngoại và 5 tháng đầu năm nay thì tốc độ xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tuyệt đối của các doanh nghiệp nội tăng gấp 2 lần mức tăng, tức là khoảng 24%".
Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp nội đang từng bước vươn lên để chiếm lĩnh thị trường, khai thác được những lợi thế mà Việt Nam đang có, đó là thành viên của các FTA, đó là được hưởng những cơ chế ưu đãi từ các FTA mang lại.