TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Nếu bố trí nguồn cho các dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, theo tính toán của nhiều đại biểu Quốc hội, năm 2019 và 2020, nguồn vốn phải cân đối rất lớn, thưa ông?
Nếu tính toán thuần túy về mặt số học, tức là cộng tổng số vốn dự kiến phân bổ cho các dự án nằm trong kế hoạch so với số tiền có khả năng cân đối được, thì đúng là nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thiếu rất lớn. Nhưng đó là tính “chiều đi”, chưa tính “chiều về”.
“Chiều về” là những dự án không đủ thủ tục đầu tư, không triển khai đúng tiến độ sẽ bị cắt kế hoạch vốn, chuyển nguồn từ năm trước sang năm 2019 để bố trí cho các dự án khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã có nghị quyết điều chỉnh giảm kế hoạch vốn cho các dự án quan trọng quốc gia từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng; nâng vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ 300.000 tỷ đồng lên 360.000 tỷ đồng.
Chưa kể, Quốc hội sẽ xem xét cắt giảm vốn đối với các công trình khởi công không đúng tiến độ, công trình dự kiến không hoàn thành theo đúng kế hoạch để điều chuyển vốn cho các dự án, công trình cần thiết, cấp bách, hoàn thành vượt dự kiến.
Theo Nghị quyết 26/2016/QH14, trong giai đoạn 2016 - 2020 có 200.000 tỷ đồng vốn dự phòng chung cho đầu tư công trung hạn (10% tổng mức đầu tư). Số tiền này vẫn chưa dùng đến. Nói chung, co kéo, cân đối, điều chuyển, cắt giảm thì kiểu gì cũng đủ vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn (1,8 triệu tỷ đồng), đủ vốn cho các dự án đầu tư có trong danh mục đầu tư công trung hạn triển khai đúng tiến độ.
Thưa ông, 200.000 tỷ đồng tiền dự phòng chung là dự phòng dự toán, không phải là “tiền tươi, thóc thật”. Trong khi đó, Bộ Tài chính dự kiến thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 97 - 98% kế hoạch, tức là hụt thu khoảng 135.000 - 150.000 tỷ đồng. Vậy nguồn dự phòng lấy ở đâu?
Trong 3 năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm, năm nào ngân sách cũng thu vượt dự toán, như năm 2018 thu vượt dự toán 7,9%, tương đương 103.500 tỷ đồng. Với tình hình sản xuất, kinh doanh như hiện nay, năm 2019 và năm 2020, thu ngân sách chắc chắn vượt dự toán. Năm 2019, ngành tài chính phấn đấu thu vượt dự toán 7 - 8%.
Trong trường hợp thu không đạt mục tiêu phấn đấu của cả giai đoạn 2016-2020, thì vẫn còn nguồn nữa là sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nguồn của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp rất lớn và ngày càng lớn hơn khi đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với việc đẩy mạnh bán vốn, cổ phần hóa, nguồn vốn của Quỹ gia tăng. Vậy có nên tăng sử dụng nguồn này cho đầu tư công trung hạn, thưa ông?
Nguồn vốn bố trí đầu tư công trung hạn đã được tính toán cụ thể, trong đó, vốn nước ngoài ban đầu bố trí 300.000 tỷ đồng, giờ điều chỉnh nâng lên 360.000 tỷ đồng, đồng thời giảm vốn vay trong nước 60.000 tỷ đồng; tiền bán vốn, cổ phần hóa là 250.000 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương 880.000 tỷ đồng… Vì thế không thể phá vỡ cơ cấu nguồn vốn.
Hơn nữa, công trình, dự án đầu tư công trung hạn đã có tên, địa chỉ, tổng mức đầu tư, đầu tư từ nguồn nào, cân đối nguồn ở đâu… phải nằm trong danh mục dự án, công trình đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chứ không phải cứ “nhìn” thấy nguồn là ra chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục để được quyết định đầu tư.
Về nguyên tắc, tiền bán vốn nhà nước, cổ phần hóa phải được sử dụng đầu tư sang lĩnh vực khác, không được sử dụng cho chi thường xuyên và đầu tư vào đâu đã có kế hoạch. Đơn cử, tiền thoái vốn nhà nước tại Vinamilk được dự kiến sử dụng để đầu tư xây dựng 4 bệnh viện tuyến trung ương, nhưng năm 2018 sử dụng không hết phải chuyển 1.300 tỷ đồng sang năm 2019. Tức là tiền thoái vốn nhà nước tại Vinamilk vẫn còn, tiền cấp cho ngành y tế xây dựng 4 bệnh viện tuyến trung ương không sử dụng hết, nhưng không thể lấy nguồn này đầu tư vào công trình, dự án khác.
Ngân sách nhà nước vượt thu là vượt thu ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương rất bấp bênh. Thưa ông, tại sao không để địa phương chủ động đầu tư bằng nguồn vốn của mình?
Nghị quyết 71/2018/QH14 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm bằng nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi. Địa phương được chủ động giao kế hoạch vốn đầu tư hằng năm, nhưng phải tuân thủ đầy đủ thủ tục, trình tự đầu tư và công khai, minh bạch để cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và cả xã hội có thể giám sát theo quy định của Luật Đầu tư công.
Địa phương được chủ động đầu tư dựa vào nguồn lực thực có của mình, Trung ương hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ cho dự án, công trình nào, mỗi năm hỗ trợ bao nhiêu - tất cả đã được thông báo từ trước, còn lại địa phương muốn đầu tư công trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải tự tìm nguồn, Trung ương không hỗ trợ, nhưng vẫn giám sát để chống đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả và làm tăng bội chi ngân sách địa phương.