Ông nhìn nhận thế nào về yêu cầu bỏ trần lãi suất trong thời điểm hiện nay?
Nói đến lãi suất tiền gửi có thể đề cập đến nhiều khía cạnh, thông thường tiền gửi kỳ hạn càng ngắn lãi suất càng thấp, hay gửi tiền tại ngân hàng có rủi ro lớn thì lãi suất cao hơn gửi tiền tại ngân hàng có rủi ro thấp. Dân chúng gửi tiền, có người chấp nhận lãi suất thấp để gửi tiền tại ngân hàng rủi ro thấp, cũng có người chấp nhận gửi tiền vào chỗ rủi ro cao để được lãi suất cao. Vì thế cào bằng lãi suất, bắt ngân hàng có quy mô khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau cùng chung lãi suất là thiệt cho ngân hàng nhỏ, lợi cho ngân hàng lớn, nếu vì thế mà ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản thì rất nguy hiểm, bỏ trần lãi suất là hợp lý.
Ngay sau khi Thủ tướng có công văn yêu cầu bỏ trần lãi suất, Hiệp hội Ngân hàng đã hỏi lại và họ được trả lời, Chính phủ ban hành công văn đó trên cơ sở các ngân hàng đã có đồng thuận về lãi suất, chứ không phải ban hành để phá đồng thuận. Vậy NHNN nghĩ sao về vấn đề này?
Hiệp hội cũng có ý tốt, đó là mong muốn lãi suất thấp hơn chút để doanh nghiệp dễ thở hơn nhưng không thể nào cùng lúc đạt 2 mục tiêu, thắt chặt tiền tệ mà duy trì lãi suất thấp được, cũng không thể nào để ngân hàng lớn, bé có mức độ rủi ro khác nhau lại có cùng lãi suất huy động được.
Tương tự như lãi suất cho vay chẳng hạn, doanh nghiệp có mức độ rủi ro thấp thì lãi suất cho vay thấp, hoặc doanh nghiệp và ngân hàng trước đó đã có mối quan hệ đối tác gần gũi, quen biết nhau rồi thì lãi suất thấp hơn. Ngân hàng lớn, có uy tín thì lãi suất cho vay thường thấp hơn các ngân hàng nhỏ, đó là chuyện bình thường trong kinh doanh, chủ trương bỏ trần lãi suất là đúng. NHNN cũng đang cân nhắc, đương nhiên cơ quan này sẽ bỏ can thiệp hành chính, nhưng muốn duy trì hết tháng 6 để thị trường yên ổn hơn một chút. Nhưng thực tế, chưa chắc đã dễ thở hơn, bởi các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản quá, nếu không cho họ tăng lãi suất lên để huy động tiền gửi từ dân cư sẽ nguy hiểm.
Nếu bỏ trần lãi suất, ông có cho rằng, cuộc đua lãi suất như hồi tháng 2 lại tái diễn?
Đừng nghĩ rằng, cứ bỏ trần là lãi suất tăng vù vù, tăng đến mức độ nào đó nó sẽ dừng lại, tôi cho rằng, hơn 12% một chút sẽ đứng lại vì quan hệ cung - cầu, giá cao người mua sẽ ít đi. Còn việc để xảy ra cuộc đua lãi suất là việc của ngân hàng trung ương, ngân hàng trung ương không cung ứng tiền ra, mà lại ép ngân hàng thương mại giữ nguyên lãi suất huy động thì dứt khoát ngân hàng nhỏ sẽ khó khăn.
Thị trường chạy đua lãi suất, không nên cho đó là lỗi của ngân hàng thương mại mà phải thấy đó là nhu cầu về vốn của nền kinh tế và ảnh hưởng từ điều hành của ngân hàng trung ương. Nếu thiếu, ngân hàng có thể chạy đến thị trường mở, thị trường mở không có thì phải cho họ huy động trong dân, chứ cứ chặn tất thì rất nguy hiểm.
Chính phủ đã có công văn chỉ đạo, ngân hàng nào thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ bằng thị trường mở với lãi suất 9%/năm, tại sao các ngân hàng nhỏ lại khó khăn đến vậy, thưa ông?
Nói vậy chứ ngân hàng nhỏ khó vay được trên thị trường mở, bởi chạy theo lợi nhuận, họ không dự phòng đầu tư mua giấy tờ có giá để chiết khấu, toàn bộ tiền trên thị trường mở, do đó chạy vào ngân hàng lớn, thế nên mới có tình trạng đầu cơ rất khá trên thị trường liên ngân hàng (ngân hàng nhỏ buộc phải vay lại của ngân hàng lớn với lãi suất cao - PV).
Vậy trong thời điểm này, cơ quan điều hành nên làm gì, theo ông?
Nếu ngân hàng có vấn đề về thanh khoản, buộc phải cho họ nâng lãi suất lên để huy động từ dân cư hoặc NHNN phải tăng cung tiền ra thị trường mở, có điều tiết hợp lý, chứ vừa cầm đầu vừa cầm đuôi thế này họ sống thế nào được.