Theo báo cáo hội nghị, năm 2016, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, các doanh nghiệp bảo hiểm cơ bản đảm bảo an toàn tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển hiệu quả.
Cụ thể, tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 239.954 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 193.282 tỷ đồng, tăng 19,5%.
Cũng trong năm qua, tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 157.397 tỷ đồng, tăng 23,2%; tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 87.107 tỷ đồng, tăng 24,7%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 51.645 tỷ đồng, tăng 13,5%. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 26.438 tỷ đồng. Số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 7.208 tỷ đồng.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm ước đạt 3.524 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 1.600 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 1.814 tỷ đồng và lĩnh vực môi giới bảo hiểm ước đạt 110 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị trường cũng đã hoàn thành cơ bản công tác tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm theo Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với 46/47 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, để đạt kết quả trên là nhờ nỗ lực chung của toàn thị trường, trong đó có cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường công tác quản lý, giám sát kịp thời và hiệu quả.
Đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng cơ chế, chính sách, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, phát triển đa dạng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tại đây, Thứ trưởng Hà cũng đưa ra 2 chỉ đạo căn bản dành cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm, giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, lành mạnh.
Thứ nhất, Cục quản lý và giám sát bảo hiểm cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với IAV và doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện cơ chế, chính sách, thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh những tồn tại được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai các chương trình bảo hiểm như bảo hiểm thiên tai/nông nghiệp/thủy sản/vi mô/hưu trí...
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần đổi mới hơn công tác quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, đa dạng hóa và phát triển sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối như bancassurance, hệ thống đại lý, thương mại điện tử. Đồng thời, cần hợp tác cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ tốt quy định của pháp luật, thực hiện tốt việc chi trả quyền lợi bảo hiểm.