Bộ trưởng đã đồng ý với đề xuất giảm và cho biết, trong tuần tới, Bộ sẽ ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn, để cụ thể hóa việc giảm giá, chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, với TTCK Việt Nam.
Trước đó, tại cuộc họp của khối các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ với lãnh đạo ngành chứng khoán, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Tài chính cần xem xét giảm giá dịch vụ chứng khoán, nhất là giá dịch vụ trên thị trường phái sinh.
Ðại diện cho khối tổ chức tài chính trung gian, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) ngay sau đó cũng đã trình lên Bộ Tài chính, UBCK 12 giải pháp hỗ trợ thị trường.
Theo đó, VASB đề xuất 2 Sở GDCK giảm phí cho các công ty chứng khoán nhằm hỗ trợ cho các công ty chứng khoán giảm phí cho nhà đầu tư; đề xuất giảm các loại giá dịch vụ hiện đang áp dụng như giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ giao dịch chứng khoán, giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ kết nối trực tuyến, giá dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối…
Cùng với đó, VASB đề xuất Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ để thống nhất quan điểm trình Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán từ 0,1% xuống 0,05%.
Giảm thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, cổ tức, lãi tiền gửi từ 5% xuống 3%. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15%...
Hiện nay, việc thu giá dịch vụ trên TTCK đang thực hiện theo Thông tư 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ Tài chính. Theo đó, để có một mức phí mới, Bộ Tài chính sẽ phải ban hành Thông tư sửa đổi quy định hiện hành.
Ðại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, sau khi nhận được đề xuất của UBCK về phương án cắt giảm giá một số loại dịch vụ chứng khoán, Cục lập tức tiến hành các thủ tục lấy ý kiến các đơn vị chức năng trong Bộ để thống nhất ý kiến.
Tuy chưa chốt mức giảm giá là bao nhiêu, nhưng việc giảm giá dịch vụ sẽ góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Kể từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, TTCK Việt Nam đã giảm gần 30% về điểm số, ngay cả các mã lớn như BVH, BID, HCM, VNM… cũng rơi giá rất mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư lỗ lớn.
Việc giá dịch vụ chứng khoán nếu được áp dụng kịp thời sẽ có tác dụng chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp có tác dụng hỗ trợ một phần.
Ðể nhà đầu tư vững tâm, tiếp tục gắn bó với thị trường, các nhóm giải pháp trọng tâm cần được đẩy mạnh triển khai với các động thái quyết liệt và cụ thể, bao gồm xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán mới; đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành; hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi”; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK một cách mạnh mẽ và minh bạch.