VFM kỳ vọng sẽ ra mắt được quỹ hữu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên trong năm 2018

VFM kỳ vọng sẽ ra mắt được quỹ hữu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên trong năm 2018

Bộ Tài chính tính việc gỡ khó cho quỹ hưu trí

(ĐTCK) Đã hơn một lần, nhà đầu tư, giới chuyên gia kiến nghị hướng gỡ khó về pháp lý cho loại hình quỹ hưu trí tự nguyện ra đời. Tại kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 vừa diễn ra, thêm một lần kiến nghị này được đưa ra và tiếp tục nhận được lời hứa từ Bộ Tài chính. 

Quy định “bó chân” quỹ và người tham gia quỹ

Quy định pháp lý hiện hành về loại hình quỹ hưu trí tự nguyện, theo nhìn nhận của chuyên gia và nhà đầu tư, đang gây khó cho cả người tham gia quỹ lẫn hoạt động của quỹ sau khi được hình thành.

Về chính sách thuế, theo nhìn nhận của Nhóm Công tác thị trường vốn, mức tiền đóng góp vào quỹ được miễn thuế tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng đối với người lao động và doanh nghiệp không đủ tạo động lực thúc đẩy họ tham gia chương trình quỹ hưu trí tự nguyện. Chính phủ cần nâng mức đóng góp vào quỹ được miễn thuế lên ít nhất 3 triệu đồng/người/tháng.

Về phía hoạt động của quỹ đầu tư, Nghị định 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện quy định, quỹ hưu trí phải đầu tư tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản vào trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán).

Từ kinh nghiệm của các nước, Nhóm Công tác thị trường vốn kiến nghị nên cho phép quỹ hưu trí đa dạng hóa danh mục đầu tư, như đầu tư nhiều hơn vào chứng khoán vốn để phù hợp với nhu cầu đa dạng của người lao động.

Một vướng mắc khác là Nghị định 88/2016/NĐ-CP quy định ngân hàng lưu ký của quỹ không được đồng thời là ngân hàng giám sát, trong khi số lượng ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ lưu ký, giám sát tại Việt Nam không nhiều. Điều này khiến cho việc tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ cho quỹ hưu trí gặp nhiều khó khăn và tốn chi phí hơn.

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, cơ quan quản lý cần xem xét bãi bỏ quy định trên vì không có xung đột hoặc chồng chéo giữa các dịch vụ giám sát và lưu ký. Tài sản lưu ký của các quỹ hưu trí được lưu ký tại ngân hàng cũng được giám sát và kiểm soát tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Đối với tài sản bằng tiền, việc quản lý tài khoản tiền mặt sẽ phải tuân theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chính các ngân hàng giám sát cũng đang cung cấp dịch vụ giám sát, lưu ký và quản lý quỹ cho các quỹ mở. Hơn nữa, trong hệ thống ngân hàng, các chức năng này được tách biệt và xử lý độc lập. Sớm khắc phục bất cập trên sẽ tạo thuận lợi cho việc đầu tư vào các quỹ hưu trí.

Để tiếp sức cho quỹ hưu trí, giới đầu tư còn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được làm đại lý phân phối cho quỹ hưu trí. Tương tự dịch vụ phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, các ngân hàng với mạng lưới khách hàng lớn có thể dễ dàng tiếp cận nhiều nhóm khách hàng và tăng tính hiệu quả trong hoạt động phân phối sản phẩm quỹ hưu trí.

Bộ Tài chính nói gì?

Giải đáp một trong những câu hỏi “nóng” và được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay khiến quỹ hưu trí khó ra đời là bất cập của cơ chế thuế, bà Lê Ngọc Chi, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính cũng cho rằng, mức đóng góp vào quỹ được miễn thuế 1 triệu đồng/người/tháng là tương đối thấp và chưa đủ sức thu hút nhiều người tham gia vào chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Để khắc phục bất cập này, Bộ Tài chính mong muốn thiết lập được những quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên hoạt động trên cơ sở thí điểm để có đánh giá tổng thể về chính sách ưu đãi, trong đó có cơ chế thuế đối với toàn bộ chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Nhìn nhận quy định pháp lý còn gây khó khăn cho quỹ hưu trí ra đời, bà Chi cho biết, công cụ pháp lý cho quỹ hưu trí ra đời còn thiếu một thông tư của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về văn bản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động khi tham gia vào quỹ hưu trí. Bộ Tài chính đang tích cực tìm cách khắc phục tình trạng này thông qua góp phần thúc đẩy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm ban hành thông tư.

Về quy định ngân hàng lưu ký không được cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát, bà Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, nghiên cứu để sửa đổi quy định khi sửa Nghị định 88/2016/NĐ-CP trong thời gian tới. Về đại lý phân phối, nghị định này đã quy định các đại lý phân phối của quỹ hưu trí có thể là ngân hàng thương mại, nhưng đang bộc lộ vướng mắc như trên. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm cách tháo gỡ.

Liên quan đến hướng “làm mềm” cơ chế hoạt động của quỹ hưu trí, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ đánh giá lại chính sách đầu tư của quỹ để bổ sung những sản phẩm đầu tư mới, đồng thời mở rộng giới hạn đầu tư của quỹ hưu trí.                

Tin bài liên quan