Lạm phát sẽ có xu hướng tăng cao hơn về cuối năm 2022 (Ảnh minh họa)

Lạm phát sẽ có xu hướng tăng cao hơn về cuối năm 2022 (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính tăng cường quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng gia tăng, Bộ Tài chính ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Hồ Đức Phớc ký Công điện số 05/CĐ-BTC gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Công điện nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá đã được triển khai đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng gia tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn tăng giá từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giá một số mặt hàng trong nước có hiện tượng tăng cao… Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục tăng cường để góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, cụ thể là:

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo tại các văn bản: Công văn số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/03/2022, Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022, Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 18/7/2022, Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 07/9/2022.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện công tác nắm bắt thị trường giá cả, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo đúng quy định. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn.

Đồng thời, cơ quan này chỉ đạo các đơn vị chuyên môn là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Kho bạc Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ.

Bộ Tài chính cũng lưu ý cơ quan liên quan xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính để ứng phó kịp thời các tình huống.

Trước đó, tại buổi Tọa đàm "Áp lực lạm phát năm 2022 và đề xuất chính sách" do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 16/9, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh, còn độ trễ, và sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm bởi yếu tố cầu kéo.

Ông Lực và nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu đào tạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo năm 2022, trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6-6,5%; lạm phát khoảng 3,8-4,2%.

Báo cáo tại cuộc họp chiều 24/8 của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, đại diện Bộ Tài chính thông tin về 2 kịch bản điều hành giá như sau:

Kịch bản 1: Giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trong khoảng từ 5-10%, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,2%, thì CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 dự báo tăng khoảng 3,37%.

Kịch bản 2: Giả định như kịch bản 1 và thêm các yếu tố từ giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng cao hơn từ 3-5%, ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm 2022 tác động đến CPI khoảng 0,4%, thì CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 dự báo tăng khoảng 3,87%.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.

Dự báo CPI 2022 của Bộ Tài chính cao hơn mức 3,4 - 3,7% của Tổng cục Thống kê và thấp hơn mức 3,8 - 4,2% của TS Cấn Văn Lực.

Tin bài liên quan