Giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên

Giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên

Bộ Tài chính sẽ ‘tiếp sức’ cho thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Giải đáp câu hỏi: Bộ Tài chính có giải pháp gì tiếp sức cho thị trường trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản của thị trường đang sụt giảm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết, theo kế hoạch, hôm nay (12/6), Bộ sẽ họp bàn với các thành viên thị trường để có hướng tháo gỡ.

Tháng 5 vừa qua, trong tổng số 4.400 tỷ đồng loại trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn 10 năm đưa ra chào thầu, đã không huy động được đồng nào. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với nhiều đợt phát hành loại TPCP có kỳ hạn 5 năm. Diễn biến này có bất thường không, thưa bà?

Đúng là trong tháng 5/2015, kết quả phát hành TPCP không đạt kế hoạch đề ra. Thị trường có xu hướng trầm lắng. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố.

Đầu tiên là nhu cầu đầu tư vào TPCP dài hạn của các nhà đầu tư (chủ lực là các ngân hàng thương mại - PV) có giới hạn. Trước đây, họ mua tương đối nhiều các loại trái phiếu có kỳ hạn dài, nên đến tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh tín dụng đối với nền kinh tế tăng hơn 4%, nên nhu cầu đầu tư vào các loại trái phiếu có kỳ hạn dài sụt giảm.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường trầm lắng là trên góc độ kỳ vọng của nhà đầu tư, đa phần họ đánh giá kinh tế vĩ mô chưa có chuyển biến tích cực rõ ràng, nên chưa có khả năng tăng lãi suất TPCP. Chúng tôi cho rằng, nhận định này của nhà đầu tư là có căn cứ.

Một nguyên nhân nữa khiến thị trường trái phiếu trầm lắng, theo ý kiến từ các nhà đầu tư là do chênh lệch lãi suất khá lớn giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, mức trần lãi suất mà Bộ Tài chính ấn định cho TPCP loại kỳ hạn 5 năm khi phát hành sơ cấp là 5,4%/năm, trong khi lãi suất trên thị trường thứ cấp là 5,8%/năm, có lúc tăng mạnh lên 6%/năm trong tháng 5 vừa qua. Ý kiến này có xác đáng, thưa bà?

Hiện nay thị trường trái phiếu Việt Nam có quy mô còn nhỏ, chỉ khoảng 15% GDP. Giao dịch trên thị trường thứ cấp khoảng 2.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên.

Với giá trị giao dịch khiêm tốn như vậy, mức lãi suất trên thị trường thứ cấp chưa phản ánh đầy đủ và chưa đại diện cho lãi suất trên thị trường. Do đó, nếu căn cứ vào lãi suất trên thị trường thứ cấp để cho rằng đó là lãi suất thực của thị trường, thì chưa đủ căn cứ thuyết phục.

Bởi vậy, Bộ Tài chính không thể thuần túy căn cứ vào diễn biến lãi suất trên thị trường thứ cấp, để xem xét quyết định mức lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp.

Nói như vậy thì Bộ Tài chính, với tư cách là nhà phát hành, và các nhà đầu tư đang có cái nhìn “vênh” nhau về nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng, nên sẽ khó tìm tiếng nói chung về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường?

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, theo kế hoạch, chiều hôm nay (12/6), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc tham vấn, trao đổi với các thành viên Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Tại cuộc trao đổi này, nhà quản lý và các nhà đầu tư sẽ đi sâu đánh giá rõ hơn về diễn biến trên thị trường, cũng như chia sẻ các thông tin đầy đủ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô, xu hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Trên cơ sở đó tìm cơ chế hợp tác phù hợp để Bộ Tài chính, với tư cách là nhà phát hành, và các nhà đầu tư có khả năng gặp nhau.

Trong cuộc trao đổi này, Bộ Tài chính và các thành viên thị trường có thảo luận về khả năng đề xuất điều chỉnh kỳ hạn phát hành TPCP theo hướng sẽ phát hành một tỷ lệ vừa phải các loại trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm như mong đợi của các nhà đầu tư, qua đó cải thiện thanh khoản cho thị trường, thưa bà?

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường, trên cơ sở đó báo cáo các cấp có thẩm quyền về khả năng điều chỉnh kỳ hạn, cũng như lịch biểu phát hành TPCP, để có giải pháp điều hành phù hợp trên cơ sở một nguyên tắc tối quan trọng là đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường, cũng như cho sự phát triển sâu rộng, bền vững của thị trường trái phiếu.

Trong bối cảnh 5 tháng đầu năm nay mới huy động được hơn 94.300 tỷ đồng TPCP, khá thấp so với kế hoạch đề ra cho cả năm là 250.000 tỷ đồng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo cân đối nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, cũng như bù đắp bội chi ngân sách, từ nay đến cuối năm, ngoài tập trung phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm, Bộ Tài chính sẽ tính toán mở rộng các hình thức vay nước ngoài, trong đó có phát hành TPCP trên thị trường vốn quốc tế.

Tin bài liên quan