Thi công Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành (Ảnh: Phạm Tùng, báo Đồng Nai).
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, tại văn bản số 714/BC-VEC ngày 24/3/2023 của VEC về việc làm rõ nội dung nguồn vốn đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã nêu tính đến ngày 31/12/2022 VEC đang có khoảng 10.700 tỷ đồng, bao gồm: một phần vốn điều lệ được cấp, quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng, nguồn khấu hao tài sản cố định, sửa chữa lớn chưa chi, phải trả nhà thầu, tiền thuế GTGT, thuế và lợi nhuận phải nộp và các nguồn khác.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định khoản thu sử dụng các đường cao tốc do VEC quản lý là thu giá dịch vụ và VEC đã hạch toán doanh thu sản xuất kinh doanh, đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước, trích lập các quỹ theo đúng quy định pháp luật.., thì khoản dư tiền tại ngày 31/12/2022 hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh và là các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp (nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển, nguồn khấu hao tài sản cố định…). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị VEC căn cứ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 20 Nghị định 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công để thực hiện.
Về thẩm quyền quyết định mức vốn đầu tư, theo báo cáo của VEC, dự kiến bố trí cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khoảng 5.116 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của VEC tại ngày 30/6/2022 là 1.174,8 tỷ đồng (gồm vốn góp của Chủ sở hữu, vốn khác của Chủ sở hữu và Quỹ đầu tư phát triển).
Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014, trường hợp mức vốn của Dự án lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính nhưng không quá mức vốn của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công thì HĐTV VEC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.
Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ của VEC, Bộ Tài chính đề nghị VEC chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bao gồm các khoản vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đến hạn và trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) theo cam kết của VEC; đồng thời VEC thực hiện quản lý dòng tiền theo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát.
Bộ Tài chính lưu ý việc bố trí vốn đối ứng của VEC phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo khả năng trả nợ của VEC và các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp và tuân thủ Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 30/3/2023 của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành của Chính phủ.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT cập nhật các thông số đầu vào để tính toán lại và phê duyệt lại phương án tài chính hoà chung dòng tiền của 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC quản lý đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của số liệu báo cáo và tính khả thi của phương án tài chính.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 30/3/2023 về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất chủ trương VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án) như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất (trong đó có số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành Dự án).
VEC cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai Dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.