Trong vòng 2 tháng qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua các khoản khẩn cấp trị giá hơn 3.000 tỷ USD để cứu lấy nền kinh tế đang chịu những thiệt hại nặng nề do Covid-19, dịch bệnh đang khiến cho các doanh nghiệp phải đóng cửa và sa thải hàng loạt nhân sự với quy mô chưa từng có.
Để có ngân sách chi cho các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính Mỹ đã lên kế hoạch ban hành một khoản nợ khổng lồ.
Một phần của khoản nợ này để bù vào khoản thu thuế bị trì hoãn đến tháng sáu, phần khác để gia tăng số dư tiền mặt của Bộ cũng dự kiến vào cuối tháng sáu.
Hồi quý 1, Bộ Tài chính đã vay gần 500 tỷ USD và dự định sẽ vay thêm 677 tỷ USD trong quý 3. Chi phí mượn nợ của chính phủ đang khá thấp nhờ mức lãi suất gần như thấp nhất trong lịch sử (0,6%).
Bộ Tài chính Mỹ cũng đang hỗ trợ cho một số chương trình tín dụng từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chỉ tính riêng từ ngày 1/3/2020, nợ công của Mỹ đã tăng 1,5 nghìn tỷ USD lên 24,9 nghìn tỷ USD, tức tương đương mức tăng 6,4%.
Thâm hụt ngân sách Mỹ tính đến tháng 3/2020, tức tương đương 6 tháng đầu năm của năm tài khóa, hiện khoảng 744 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách Mỹ trong khoảng thời gian hiện tại ước tính cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải kịch bản tồi tệ nhất khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính thâm hụt ngân sách liên bang có thể lên đến 3.700 tỷ USD vào cuối năm 2020, gấp 4 lần mức thâm hụt được ghi nhận ở hiện tại.
CBO cũng dự báo nợ quốc gia sẽ “lấn át” giá trị đầu ra kinh tế thường niên của nước Mỹ năm 2020, với tỷ lệ nợ liên bang trên GDP đạt 101%.
Những con số mà Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ tính đến các dự luật đã được thông qua trước đây. Một gói cứu trợ khác hiện đang được bàn bạc và theo tờ Washington Post, sẽ có thêm nhiều dự luật được đưa ra để thúc giục cơ quan này vay nhiều tiền hơn.
Nhiều thành viên của Đảng Cộng hòa đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc các khoản nợ leo thang nếu thông qua gói cứu trợ tiếp theo. Trong khi các thành viên của Đảng Dân chủ vẫn mong muốn thúc đẩy chi tiêu.