Phải huy động tăng 40.000 tỷ đồng
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2015 của Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, tổng mức phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư năm 2015 là 85.000 tỷ đồng, cộng với huy động cho bù đắp bội chi là 226.000 tỷ đồng và đảo nợ 130.000 tỷ đồng, thì trong năm 2015, phải tăng huy động vốn khoảng 40.000 tỷ đồng so với năm 2014. Trong số 85.000 tỷ đồng, thì 15.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch phát hành giai đoạn 2011-2015, 70.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch phát hành bổ sung giai đoạn 2014-2016...
“Để có thể hoàn thành kế hoạch huy động vốn trên, Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch để triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm”, ông Hà nói.
Sự nặng nề trong thực hiện kế hoạch huy động vốn trong năm tới như quan ngại của Bộ Tài chính, không chỉ thể hiện qua tổng mức huy động vốn tăng, mà còn ở bối cảnh huy động vốn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi.
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 19/12, tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013 và dự kiến đạt chỉ tiêu định hướng đề ra cho năm nay là 12-14%. Tăng trưởng tín dụng đang tăng trong bối cảnh lạm phát thấp của năm 2014, năm 2015 được nhìn nhận sẽ có nhiều dư địa cho tín dụng tăng mạnh. Đây là diễn biến bất lợi cho hoạt động huy động vốn của Bộ Tài chính, bởi hiện hệ thống ngân hàng thương mại vẫn là nhà đầu tư chủ lực tham gia các đợt phát hành trái phiếu chính phủ, nên một khi tín dụng tăng mạnh trở lại, các ngân hàng sẽ không còn nhiều vốn để mua trái phiếu như năm 2014.
Mặt khác, diễn biến từ thị trường cho thấy, tâm lý tiêu cực của NĐT trên thị trường trái phiếu vẫn tồn tại do họ quan ngại tác động từ Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước, cũng như Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, với yêu cầu từ năm tới chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách. Không chỉ NĐT trong nước, mà cả NĐT nước ngoài động thái vốn ra khỏi thị trường, thể hiện qua lượng bán ròng khá mạnh trong thời gian gần đây.
Những yếu tố trên cho thấy, trong khi nguồn cung trái phiếu tăng, thì đang xuất hiện những yếu tố có thể làm giảm sức cầu. Đây là thách thức không nhỏ cho Bộ Tài chính trong quá trình tìm lời giải cho bài toán huy động vốn qua kênh trái phiếu chính phủ trong năm tới.
Tìm vốn ngoại
Trong khi khả năng huy động vốn qua phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ năm 2015 đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, thì lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đang tìm kiếm thêm các nguồn vốn mới. Trong đó có tính đến phương án phát hành trái phiếu quốc tế tiếp sau sự thành công của thương vụ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2014...
“Nếu không có gì thay đổi, trong năm 2015, dự kiến sẽ triển khai huy động tiếp 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, với kỳ hạn 10 năm, để huy động thêm nguồn lực chi cho đầu tư phát triển trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2015 vừa diễn ra.
Câu hỏi đặt ra là việc tìm vốn ngoại của Bộ Tài chính có thành công như trong năm 2014 hay không, bởi điều kiện, đối tượng, thời điểm phát hành… vẫn chưa có kế hoạch chi tiết.
Để hóa giải sức ép nặng nề lên kế hoạch huy động vốn trong năm tới, không chỉ rốt ráo tìm kiếm các nguồn vốn mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 mà Bộ Tài chính theo đuổi thực hiện là siết chặt việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng: chống dàn trải, ưu tiên bố trí vốn cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản và hoàn trả các khoản vốn ứng trước. Bộ Tài chính cũng có chủ trương dành ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, có khả năng hoàn thành trong năm 2015; không bố trí vốn cho các dự án mới không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc chưa thực sự cấp bách...