Niêm yết thẳng sẽ có văn bản hướng dẫn riêng
Thông tư 01/2015/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, thay thế Quyết định 108/2008/QĐ-BTC về ban hành quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại HNX.
Lý giải nguyên nhân Thông tư 01 không tích hợp nội dung về hướng dẫn niêm yết thẳng trên Sở GDCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, đây là hai nội dung khác nhau. Niêm yết thẳng trên Sở GDCK là nội dung được quy định tại dự thảo văn bản hướng dẫn Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN. Hiện dự thảo này đã được UBCK trình Bộ Tài chính xem xét ban hành.
Trở lại với Thông tư 01, những trường hợp DN đủ điều kiện cố tình chây ì niêm yết, không đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM trong thời gian qua sẽ bị xử phạt.
Tại nhiều kỳ ĐHCĐ gần đây của Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…, cổ đông đặt câu hỏi: bao giờ các DN này niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên TTCK để cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu, cũng như gia tăng tính minh bạch trong hoạt động của DN?
Câu trả lời từ phía DN đều không rõ ràng, thể hiện sự thiếu thiện chí của ban lãnh đạo DN trong việc sớm đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Sốt ruột với tình trạng các DN sau nhiều năm cổ phần hóa né tránh niêm yết, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từng có văn bản đề nghị Bộ Công thương, với tư cách là đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco sớm có phương án đưa hai DN này lên niêm yết, nhưng nhiều năm qua, kiến nghị của VAFI cũng như đề xuất của các cổ đông chưa được thực hiện.
Nay Thông tư 01 được ban hành, giới đầu tư hy vọng, đây sẽ là liều thuốc trị căn bệnh né niêm yết, đăng ký giao dịch của nhiều DN, bởi văn bản này quy định: công ty đại chúng hình thành từ DN 100% vốn nhà nước trước ngày 1/11/2014 mà chưa niêm yết, thì đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc DN hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/11/2014 theo quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.
Đề xuất của UBCK
Liên quan đến nội dung của dự thảo văn bản hướng dẫn các DN sau khi tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) có thể niêm yết thẳng trên Sở GDCK, ông Sơn cho biết, theo phương án đề xuất của UBCK, DN cần hoàn thiện song song hai hồ sơ: đăng ký giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên Sở GDCK.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, mà DN kịp hoàn tất hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, đồng thời đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán như: quy mô vốn, số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài, các chỉ tiêu tài chính…, thì sau khi hoàn tất cổ phần hóa, IPO, sẽ cho phép DN không cần đăng ký giao dịch qua UPCoM, mà hoàn tất thủ tục để niêm yết thẳng lên Sở GDCK.
Trong trường hợp hết thời hạn 90 ngày mà DN không kịp hoàn thiện hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, cũng như với những DN chưa đủ điều kiện niêm yết, thì phải đăng ký giao dịch cổ phiếu qua UPCoM theo đúng quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.
Theo quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, với hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, các DN sẽ bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng, trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật. |