Các hội, nhóm tìm khách mua lại những lô đất đấu giá. Ảnh: Thanh Vũ

Các hội, nhóm tìm khách mua lại những lô đất đấu giá. Ảnh: Thanh Vũ

Bộ Tài chính đồng tình với việc đánh thuế bất động sản thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai, Bộ Tài Chính đã có phản hồi hưởng ứng. Tuy nhiên, lãnh đạo bộ cũng nhấn mạnh rằng, công cuộc ổn định thị trường địa ốc không thể chỉ trông cậy vào chính sách thuế.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính, cho biết Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Chi cũng khẳng định rằng, mục tiêu hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường sẽ khó lòng được thực hiện, nếu chỉ dựa vào chính sách thuế. Thay vào đó, hệ thống chính sách cần có sự đồng bộ giữa các quy định về đất đai, quy hoạch…

Trước đó, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương.

Theo đề xuất của VARS, chính sách thuế bất động sản cần được áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Chẳng hạn tại Singapore, mức áp thuế sẽ lên tới 16% khi người chủ bán lại căn nhà ngay trong năm đầu tiên sở hữu. Mức thuế sẽ giảm về 12% nếu chủ nhà bán căn hộ vào năm thứ 2 và năm thứ 3 là 8%. Đến năm thứ 4, chủ nhà sẽ không phải chịu thuế khi giao dịch.

Về phía người mua, từ tháng 4/2023, quốc đảo này đã nâng thuế khi mua bất động sản thứ hai lên thành 20%, từ mức 17%; căn thứ 3 là 30%, từ mức cũ là 25%.

Bên cạnh đó, VARS cũng đề nghị, trường hợp chủ sở hữu không xây dựng dự án sau khi nhận đất cũng phải chịu thuế bỏ hoang bất động sản. Đây là chính sách đang được Hàn Quốc áp dụng. Hiện mức thuế suất đang là 5% và sẽ tăng dần theo số năm mà bất động sản bị bỏ hoang.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc ban hành chính sách về thuế tài sản, thuế bất động sản là công việc cấp bách. Thậm chí, ông còn khẳng định, nếu chỉ trông cậy vào Luật Đất đai, việc điều tiết, kiểm soát giá đất là không thể.

“Tôi đề xuất Chính phủ cần sớm khởi động lại dự án Luật Thuế bất động sản để điều tiết thị trường. Khi có cơ chế này, giá đất sẽ tăng giảm theo đúng thị trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng đã đề cập lại Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong đó yêu cầu bên cạnh Luật Đất đai, Nhà nước phải có các chính sách thuế để điều chỉnh hành vi sử dụng nhiều đất, hành vi để đất bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng…

“Nếu Chính phủ không sớm khởi động lại việc nghiên cứu, xây dựng chính sách về thuế thì không thể xử lý toàn diện các vấn đề về thị trường đất đai, thị trường bất động sản”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan