Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng việc các ngân hàng giữ lại cổ tức không phải giải pháp căn cơ

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng việc các ngân hàng giữ lại cổ tức không phải giải pháp căn cơ

Bộ Tài chính: Đòi cổ tức không vì ngân sách gặp khó

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định việc yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt là theo luật, chứ không phải do ngân sách khó khăn.

Động thái Bộ Tài chính kiên quyết đòi cổ tức bằng tiền mặt của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương (VietinBank) khiến nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là ngân sách gặp khó khăn. Theo ước tính, nếu VietinBank trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8%, BIDV trả tỷ lệ 8,5%, ngân sách Nhà nước sẽ thu về khoảng 4.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định động thái này hoàn toàn không phải vì ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn. Theo ông, việc yêu cầu người đại diện vốn Nhà nước tại VietinBank, BIDV biểu quyết theo phương án trả cổ tức bằng tiền mặt để thu nộp về ngân sách là "thực hiện đúng quy định của pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội". Ông còn cho biết, ngay cả khi ngân sách Nhà nước không khó khăn thì vẫn phải thu cổ tức.

Ông Tiến cũng thừa nhận các nhà băng Việt Nam vẫn khiêm tốn về tài sản so với các nước trong khu vực nên nhu cầu tăng vốn của BIDV lẫn VietinBank là có thật. Tuy nhiên, theo ông, việc giữ lại cổ tức không phải giải pháp căn cơ. "Cần có giải pháp mạnh hơn để thoái vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phần chứ không phải giữ nguyên quy mô rồi bổ sung nhỏ giọt", ông nói.

Thực tế, VietinBank và Vietcombank cũng đã đề xuất xin giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống còn 51%. Hiện tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại BIDV là 95,28%, tại Vietcombank là 77,11% và ở VietinBank là 64,46%.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính cũng chia sẻ lý do SCIC vẫn chậm trễ thoái vốn tại 10 "con gà đẻ trứng vàng" như FPT, Vinamilk, Bảo Minh... dù đã được Thủ tướng chỉ đạo.

"10 doanh nghiệp này là của để dành, bán ra là sẽ được mua ngay", ông nói. Do đó, nếu cứ thoái hết thì các doanh nghiệp khác khi bán ra sẽ gặp khó khăn. Chưa kể, theo vị đại diện này, việc thoái vốn cần có lộ trình và tính toán cặn kẽ nên chưa thể công bố. "Chúng ta phải tôn trọng quyền của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã giao SCIC sớm báo cáo về lộ trình", ông Tiến chia sẻ và cho biết đang phối hợp với các Sở giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để tổ chức chấm điểm, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ mời thêm các tổ chức độc lập để chấm điểm, ngay cả cơ quan báo chí có thể cũng có quyền bỏ phiếu đánh giá báo cáo tài chính doanh nghiệp. "Điều này nhằm khẳng định doanh nghiệp Nhà nước cũng bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong việc công khai, minh bạch thông tin, từ đó thúc đẩy quá trình cổ phần hóa", ông Tiến nói.

Tin bài liên quan