Để hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ (ảnh minh họa)

Để hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ (ảnh minh họa)

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu với xe đã qua sử dụng

(ĐTCK) Để hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đề xuất Chính phủ tăng mức thuế nhập khẩu đối với ô tô con đã qua sử dụng...

Một nội dung đáng chú ý tại cuộc họp báo chuyên đề về chính sách thuế, do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (1/9), là nội dung mới tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122/2016 quy định.

Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, theo hướng có nhiều điều chỉnh khá lớn tác động đến thị trường ô tô.

Theo đó, bà Hằng cho hay, để hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ.

Giảm thuế nhập khẩu linh kiện

Về hướng sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm thuế.

Phương án 1: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) đối với 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 2 nhóm xe về 0%. Giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Phương án 2: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15% 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45%, 50% xuống 0% (do đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất) và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ô tô) để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%.

Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 – 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn. 

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu với xe đã qua sử dụng ảnh 1

 Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022, có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất, lắp ráp (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho 2 nhóm xe là: nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021), mức 5 từ năm 2022 trở đi; nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.

Việc sửa đổi cơ chế thuế lần này, theo bà Hằng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với nhà nước là góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; hạn chế nhập siêu ô tô. Đối với doanh nghiệp phụ trợ: tăng nhu cầu đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, chính sách thuế mới sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu. Về phía người tiêu dùng, khi chính sách thuế mới đi vào áp dụng sẽ góp phần tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước tác động của việc thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do trong ASEAN (giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% từ 1/1/2018), căn cứ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã có Công văn 11072/BTC-CST ngày 18/8/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định thay thế Nghị định 122/2016 là từ ngày 1/1/2018.

Riêng quy định tại Điều 9 Nghị định (nội dung sửa đổi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô) có hiệu lực ngay (áp dụng từ ngày 1/10/2017). Ngày 30/8/2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 9246/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính.

Tin bài liên quan