Góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán
Tại Quyết định 345/2020/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, được Bộ Tài chính ban hành mới đây, lần đầu tiên định hình phương án cho triển khai áp dụng IFRS tại nước ta.
Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam được đề cập tại Đề án bao gồm phương án công bố, áp dụng IFRS và phương án xây dựng, ban hành và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).
Theo đó, phương án công bố, áp dụng IFRS được chia thành 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến năm 2021; giai đoạn 1, từ năm 2022 đến năm 2025, giai đoạn này được áp dụng tự nguyện; giai đoạn 2, từ sau năm 2025 áp dụng bắt buộc với một số đối tượng.
Việc thực thi IFRS yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực này phải trình bày, thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính đối với các nội dung khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế (nếu có), đồng thời thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Việt Nam áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASB) tại cùng một thời điểm...
Về cách thức áp dụng IFRS, Bộ Tài chính ban hành các tiêu chí, hướng dẫn để đánh giá các thông tin tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo tính so sánh giữa doanh nghiệp áp dụng IFRS và doanh nghiệp không áp dụng IFRS, đồng thời công bố danh sách doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng IFRS lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính riêng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam là một trong những yếu tố để các tổ chức quốc tế xem xét, đánh giá và nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam do thông tin tài chính của doanh nghiệp niêm yết được trình bày đầy đủ, trung thực và minh bạch hơn so với hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành.
Mặt khác, áp dụng IFRS sẽ giúp cho cơ sở dữ liệu đánh giá về thực trạng tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được cập nhật thường xuyên, liên tục một cách thận trọng. IFRS hướng đến việc trình bày thông tin tài chính sát với diễn biến của thị trường, từ đó giúp cho việc đưa ra các dự báo trong tương lai đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, áp dụng IFRS sẽ giúp tăng cường niềm tin và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, chủ nợ và công chúng do IFRS yêu cầu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phải được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực, hợp lý và minh bạch, mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ban giám đốc hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp khi cố tình phản ánh không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích đi vay, đẩy giá cổ phiếu hoặc che dấu những khoản lợi nhuận để hưởng lợi về thuế...
Có cơ chế riêng cho doanh nghiệp không áp dụng IFRS
Về phương án xây dựng, ban hành và áp dụng VFRS, Bộ Tài chính chốt kịch bản chia thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến năm 2024; giai đoạn triển khai áp dụng VFRS từ năm 2025.
Theo Đề án, việc nghiên cứu, xây dựng VFRS được thực hiện dựa trên IFRS theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán riêng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS và VFRS.
Đề án được ban hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới.
Đồng thời, việc triển khai Đề án còn góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.