Với thị trường bảo hiểm, giám định được coi là hoạt động dịch vụ bổ trợ vô cùng cần thiết và quan trọng, đảm bảo cho việc thực hiện các hợp đồng bảo hiểm đã được khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) giao kết.
Nhà bảo hiểm có lợi thế
Hoạt động giám định nếu được thực hiện trung thực, khách quan, khoa học, kịp thời, chính xác sẽ giúp cho các khiếu nại, yêu cầu bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm, tranh chấp (nếu có) trên hợp đồng được nhanh chóng giải quyết, mang lại sự tin tưởng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.
Theo quy định của Ðiều 48 Khoản 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, DNBH là người có nghĩa vụ trước tiên đối với công việc giám định. Cụ thể, “khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH hoặc người được DNBH uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất”.
Tuy pháp luật để ngỏ việc cho bên mua bảo hiểm có thể tham gia “trưng cầu giám định độc lập” khi “không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất” từ kết quả của giám định của DNBH hoặc người mà doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền, nhưng khả năng này lại tùy thuộc vào quy định “trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.
Hiện tại, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu, do nhà bảo hiểm soạn sẵn nội dung, trong đó có những điều khoản liên quan đến giám định tổn thất và trưng cầu giám định độc lập. DNBH vì vậy sẽ có lợi thế khi có thể chủ động đưa vào “những thỏa thuận khác” có lợi cho mình.
Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng.
Khách hàng thường…giật mình khi sự đã rồi
Khách hàng bảo hiểm, vốn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, thậm chí chỉ dựa vào niềm tin với người chào mời bảo hiểm là chính mà dễ dàng đặt bút ký khi chưa nắm hết những thỏa thuận về giám định.
Về nguyên tắc, khi người giám định độc lập là do 2 bên đồng thuận chỉ định thì “kết quả giám định có giá trị bắt buộc đối với các bên”. Chỉ đến khi bị DNBH chính thức từ chối bồi thường mà việc từ chối là dựa trên kết quả của giám định độc lập thì khách hàng mới giật mình xem lại những thỏa thuận đó. Lúc này, với thỏa thuận về giám định độc lập nói trên, khách hàng không thể khởi kiện DNBH, chỉ có thể khởi kiện người giám định độc lập để có thể đánh giá lại tính trung thực, khách quan, khoa học và chính xác của kết quả giám định đó.
Khi khiếu kiện ra toà, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định tư pháp để tiếp tục làm rõ vấn đề.
Chi phí giám định do khách hàng bảo hiểm chịu
Liên quan đến chi phí giám định bảo hiểm, trước tiên, cần hình dung đầy đủ các bước của giám định tổn thất trong bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Cụ thể, bước 1: Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, DNBH có nghĩa vụ trực tiếp giám định hoặc ủy quyền cho một người khác thực hiện giám định nhằm xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Bước 2, trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất (mà bước 1 xác định) thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập.
Ðiều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định rõ chi phí giám định ở bước 1 là do DNBH chịu. Ðối với bước 2, việc ai chịu phí giám định độc lập sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận cụ thể trên hợp đồng bảo hiểm. Theo thông lệ, trong quy tắc bảo hiểm, phí giám định cho giám định độc lập dù ai ứng trả cũng sẽ được tính trong số tiền bồi thường nếu rủi ro và tổn thất đó được kết luận thuộc phạm vi bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong thực tế, đã xảy ra một số trường hợp sau. Thứ nhất, khi tổn thất xảy ra, DNBH đã cố ý bỏ qua bước 1 mà lẽ ra nó là nghĩa vụ DNBH phải thực hiện, gợi ý bên mua bảo hiểm yêu cầu giám định độc lập. Ðiều này làm cho khách hàng dễ hiểu lầm là doanh nghiệp đã chấp nhận rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, chỉ còn chờ xác định giá trị tổn thất. Ðến khi bị từ chối bồi thường họ mới giật mình khi phải gánh chịu thêm chi phí giám định.
Trong khi đó, DNBH là người thường xuyên yêu cầu dịch vụ này, nói khác hơn là khách hàng “thân thiết” của các công ty giám định, thậm chí “có quyền lợi liên quan với công ty giám định”. Việc doanh nghiệp chủ động soạn thảo điều khoản của hợp đồng, chủ động “gợi ý” người giám định có thể đưa khách hàng vào thế bất lợi.
Cho dù trong những trường hợp phí giám định do DNBH chịu (bước 1, bước 2 nếu thuộc phạm vi bảo hiểm) thì suy cho cùng cũng do khách hàng bảo hiểm chi trả, vì khi định phí bảo hiểm, nhà bảo hiểm đã tính vào phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm phải đóng.
Công ty giám định luôn ở vị thế mạnh hơn
Giống như DNBH, công ty giám định luôn ở vị thế “mạnh” hơn vì nhiều lẽ. Thứ nhất, họ là chuyên gia trong nghề, có kiến thức chuyên môn, am hiểu pháp luật chuyên ngành, có kỹ năng tiếp cận các nguồn thông tin, tiếp cận các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước.
Thứ hai, bên mua bảo hiểm (một trong hai chủ thể yêu cầu giám định) thường không hiểu biết về chuyên môn hoặc hiểu biết chưa đủ. Và vì vậy, khi kết quả giám định dẫn đến bất lợi cho khách hàng bảo hiểm (bị từ chối bồi thường) họ cũng không thể/không dám khiếu nại dù không hoàn toàn tâm phục.
Thứ ba, như trên đã đề cập, công ty giám định thường có mối quan hệ “mật thiết” hơn với DNBH. Như vậy, dù DNBH cũng là 1 trong 2 chủ thể cùng yêu cầu giám định nhưng vị thế của họ hoàn toàn khác khách hàng bảo hiểm.
Bình thường, một cách khách quan, các hoạt động chuyên môn vẫn có khả năng phát sinh sai sót nhất định. Tuy nhiên ở vị trí “thế mạnh” như trên, người giám định có thể phạm những sai sót chủ quan theo hướng: Không chú tâm thu thập thông tin một cách độc lập đối với vụ việc (ra tiếp cận trực tiếp hiện trường để thu thập vật chứng, tiếp cận trực tiếp nhân chứng để thu thập thông tin) để đưa ra kết luận về nguyên nhân và mức độ tổn thất mà phụ thuộc vào thông tin do DNBH cung cấp. Một số trường hợp, khách hàng bảo hiểm “tố” người giám định đã không triệu tập đủ các thành phần như đã ghi trong biên bản giám định, thậm chí làm khống biên bản giám định.
Mục đích chính của giám định độc lập là xác định chính xác, trung thực nguyên nhân và mức độ tổn thất, nhưng rất nhiều trường hợp, công ty giám định đã làm thay nghĩa vụ của DNBH khi báo cáo giám định lại kết luận “rủi ro, tổn thất không thuộc phạm vi bảo hiểm”.
Giải pháp chấn chỉnh
Ðể lành mạnh hóa thị trường giám định bảo hiểm cần phải tiến hành một số giải pháp cụ thể. Trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần thực hiện kiểm tra chuyên đề, tiến hành rà soát tất cả các quy tắc bảo hiểm hiện hành và việc tổ chức hoạt động giám định nhằm đảm bảo hoạt động giám định và giám định độc lập phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tính độc lập khách quan khi yêu cầu giám định độc lập.
Trong khi đó, luật pháp cần có quy định chi tiết hơn về các tổ chức giám định bảo hiểm độc lập để đảm bảo tính độc lập về lợi ích và hoạt động giữa DNBH và các công ty giám định, đưa tổ chức giám định và nội dung hoạt động giám định bảo hiểm của tổ chức này vào đối tượng và phạm vi thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
DNBH nên cung cấp cho khách hàng một danh sách các nhà giám định cho khách hàng lựa chọn thay vì bị buộc phải chấp nhận nhà giám định được chỉ định ngay từ đầu bởi các công ty bảo hiểm.
Sau cùng, tuyên truyền phổ biến kiến thức giúp cho các khách hàng bảo hiểm hiểu và chủ động yêu cầu dịch vụ từ các công ty giám định. Ðiều này giúp cải thiện “sự bất cân xứng vị thế”, từ đó gia tăng sự công tâm, cũng như tính chuyên nghiệp của các công ty giám định độc lập.
Quy định của pháp luật Việt Nam về giám định bảo hiểm Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000
Điều 48. Giám định tổn thất
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2. Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm
Điều 47. Giám định tổn thất
1. Việc giám định tổn thất thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cơ quan giám định chịu trách nhiệm về kết quả giám định của mình.
2. Việc giám định tổn thất phải bảo đảm trung thực, khách quan, khoa học, kịp thời, chính xác.
3. Kết quả giám định tổn thất phải được thể hiện trong biên bản giám định.