Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời đề nghị của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) do ông Bùi Ngọc Huyên làm Chủ tịch HĐQT về việc tiếp tục muốn vay vốn ngân hàng.
Trước đó, trong tháng 9, đề nghị được vay vốn để mua lại nợ xấu của các ngân hàng cho vay dự án nội địa hoá ôtô con của Vinaxuki đã bị bán lại cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) được doanh nghiệp gửi đến Văn phòng Chính phủ.
Cơ quan này đã chuyển đề nghị của Vinaxuki đến Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến trả lời doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2017 sau thời gian xem xét, Bộ Tài chính chính thức bác bỏ đề xuất nêu trên.
Trong công văn gửi doanh nghiệp, Bộ cho hay, tại Nghị định ban hành hồi tháng 3 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước không có quy định về việc vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu mà ngân hàng thương mại đã bán cho các tổ chức khác.
Do đó, cơ quan quản lý cho rằng, đề nghị vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu của Vinaxuki là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Nhà máy Vinaxuki theo thiết kế ban đầu có lượng nhân công dự kiến lên tới 6.000 người (Thái Nguyên 300 người, Thanh Hóa 3.000 người và còn lại là Mê Linh, Hà Nội).
Nếu đủ vốn hoạt động hết công suất, các nhà máy của Vinaxuki có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động, sản xuất 30.000 xe một năm.
Tuy nhiên, hiện các nhà máy đều đắp chiếu và dừng sản xuất từ năm 2013. Nhà máy tại Thanh Hóa đã được ngân hàng thu hồi, rao bán siết nợ, cỏ mọc um tùm; còn nhà máy tại Mê Linh (Hà Nội) cũng trống trơn.
Ông Huyên đã phải bán nhiều tài sản của gia đình để trả nợ. Ông cũng nhiều lần gửi đơn cầu cứu tới Thủ tướng, các Bộ ngành, nhà băng để xin được tái cơ cấu các khoản nợ, tiếp tục sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều lý giải, phía nhà băng cũng phải đảm bảo đồng vốn cho vay ra phải thu hồi được. Với những dự án thiếu khả thi, ngân hàng hoàn toàn có thể từ chối.