Trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, việc thế chấp tài sản của bên thứ ba không phải chuyện hiếm. Nhưng nghiệp vụ này vẫn cần tuân thủ các quy trình, quy định rất chặt chẽ của ngân hàng, pháp luật.
Theo nội dung vụ án, từ tháng 3/2008 - 2/2/2012, Nguyễn Thành Hưng (SN 1970, ở quận Bắc Từ Liêm) cùng các đồng phạm đã dùng pháp nhân của 16 công ty làm giả hồ sơ vay vốn như báo cáo tài chính, phương án sản xuất, hợp đồng mua bán… để được giải ngân tiền vay của ngân hàng theo 50 hợp đồng tín dụng có tài sản đảm bảo. Đến nay còn nợ gốc 372 tỷ đồng.
Có tổng cộng 46 hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm bằng 74 bất động sản và ô tô. 3 hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm là 3 lô hàng sắt thép khống; trị giá 9,8 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Hưng bổ sung tài sản bảo đảm thật là bất động sản của bên thứ ba. Hành vi này của bị cáo phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử phạt Nguyễn Thành Hưng 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 15 bị cáo giữ vai trò đồng phạm lĩnh án từ 24 tháng đến 15 năm tù. Sau đó, các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt. Từ ngày 17/4/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng án.
Các lời khai tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm mới đây, bị cáo Hưng cho rằng, không có mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng, chỉ sử dụng tiền để kinh doanh, trong khi bất động sản vẫn để trong ngân hàng.
Bị cáo biện minh, các tài sản bảo đảm có thật của 50 hợp đồng tín dụng hạn mức có tổng giá trị khoảng 675 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ gốc và lãi của 53 hợp đồng tín dụng (gồm 3 hợp đồng tín dụng có lô thép khống) khoảng 412 tỷ đồng. Do đó, có thể sử dụng tài sản bảo đảm của hợp đồng tín dụng này bù cho hợp đồng tín dụng khác. Hơn nữa, bị cáo đã bổ sung 3 tài sản bảo đảm là bất động sản của bên thứ ba để vay thêm tiền. Theo bị cáo, ngân hàng không bị thiệt hại.
Quan điểm của cơ quan truy tố cấp sơ thẩm thể hiện, theo Quy định 1627 về quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, hợp đồng tín dụng phải nêu về tài sản đảm bảo và giá trị bảo đảm. 3 hợp đồng trên là hợp đồng tín dụng từng lần, thời gian vay ngắn. Tài sản đảm bảo là lô sắt thép khống, thực chất là khoản vay không có tài sản đảm bảo.
Việc thay thế tài sản thế chấp là 3 bất động sản đã vượt ngoài ý chí của chủ tài sản, không đúng quy trình thủ tục của ngân hàng. Các bên không ký phụ lục hợp đồng tín dụng nên không gắn kết được tài sản bảo đảm với khoản vay. Việc bảo đảm không có giá trị pháp lý sẽ không gắn với nghĩa vụ bảo đảm cho hợp đồng tín dụng. Việc chưa ký phụ lục tín dụng mà vẫn hoàn thiện hồ sơ giải ngân là vi phạm quy chế cho vay.
Bên cạnh đó, lời khai của một số chủ tài sản đề nghị điều tra đã làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Thành Hưng cùng đồng bọn trong việc sử dụng tiền vay bằng tài sản của họ. Một số người đề nghị buộc Nguyễn Thành Hưng phải trả lại số tiền đã sử dụng và chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo quy định của pháp luật và phán quyết của tòa án.
Theo hội đồng xét xử, bên thứ ba chỉ phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo hợp đồng tín dụng có sử dụng bất động sản của họ làm tài sản bảo đảm. Do đó, không có cơ sở để buộc các chủ tài sản phải chịu trách nhiệm bảo lãnh cho các khoản vay của 3 hợp đồng này. Các bị cáo có thủ đoạn gian dối ngay từ đầu. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm Nguyễn Thành Hưng cho nhân viên của mình rút tiền từ ngân hàng. Vì 3 hợp đồng tín dụng trên là vô hiệu do có hành vi lừa đảo của các bị cáo nên quan hệ vay mượn không phát sinh lãi. Đến nay ngân hàng không thu hồi được tiền gốc là 9,8 tỷ đồng.
Pháp luật ngân hàng đã quy định rất cụ thể quy trình, thủ tục thế chấp tài sản bảo đảm với bên thứ ba. Việc các bị cáo bổ sung tài sản sau khi giải ngân được coi là hành vi “chống chế” đắp đổi sai phạm.